Kết nối ý Đảng với lòng dân

Trong hơn 2 tháng qua, nhân dân cả nước dành sự quan tâm đặc biệt cả về tinh thần, tình cảm và nguồn lực đối với nhân dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự quan tâm có lúc âm thầm lặng lẽ, có lúc lại trào dâng trong tâm khảm mỗi người. 

Nhiều vấn đề của TPHCM khi gồng sức chống dịch trong hơn 2 tháng qua đã đặt ra nhiều câu hỏi và cũng lắm tâm tư với người dân. Thừa cơ hội này, trên mạng xã hội ở đâu đó đã đồn thổi lên những sự kiện ngoài lề, muốn biến chính thành phụ, biến phụ thành chính…, để kích hoạt luồng ý kiến bất lợi cho công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị. 

Từ khi nhậm chức Chủ tịch UBND TPHCM vào ngày 24-8-2021, tân Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, chỉ bằng sự kiện bình thường nhưng có 1-0-2 ở ngay điểm nóng dịch Covid-19 mà cả nước đang rất quan tâm, theo dõi, đó là sự kiện livestream chia sẻ thông tin, giải đáp các thắc mắc với người dân của chính quyền thành phố, đã và đang làm bật lên những ý nghĩa mới, phong cách mới và có tác dụng thiết thực. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã giao tiếp với người dân, trả lời những câu hỏi của người dân qua hơn 10 diễn đàn trực tuyến vào lúc 20 giờ tối, mà nổi bật là buổi giao lưu rất thẳng thắn, thân thiện, vào tối 6-9 về Những định hướng lớn của TPHCM sau ngày 15-9. 

Xuyên suốt diễn đàn này, câu hỏi mà nhân dân thành phố và dư luận xã hội quan tâm là: Vì sao giãn cách lâu chưa hết dịch? Bao giờ hết giãn cách để trở lại cuộc sống bình thường mới, để phát triển kinh tế - xã hội, để người dân lo làm ăn và ổn định đời sống? Ngoài việc trả lời rất rõ ràng, thỏa đáng các câu hỏi, trong cuộc giao tiếp đặc biệt này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thật lòng xin lỗi người dân về một số khuyết điểm, hạn chế trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở thành phố thời gian qua. 

Nhìn lại lịch sử, những cuộc “tiếp dân” của lãnh đạo chính quyền cũng không phải là mới mẻ. Hơn 10 năm trước, chúng ta cũng đã đặt yêu cầu về việc tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị mỗi tuần một buổi. Nhưng lâu nay, hình như chúng ta... quên, hoặc thực hiện một cách hình thức, nội dung chưa thực sự thiết thực. 

Buổi livestream tối 6-9 của tân Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã tạo ra sự kết nối với hàng triệu người dân thành phố. Chỉ cần nhìn qua những con số sau đã thấy năng lực và hiệu quả của mối quan hệ tác động này. Theo ghi nhận từ Sở TT-TT TPHCM, ngoài 172.000 lượt theo dõi cùng một thời điểm trên các kênh truyền thông xã hội như YouTube, Facebook..., thì còn có tới hơn 20.000 lượt chia sẻ, hơn 100.000 lượt bình luận, 60.000 lượt tương tác, và 200.000 lượt đăng ký các app an sinh. Tất cả đều hướng tới đồng thuận. 

Có thể thấy, sự kiện kết nối truyền thông “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, với những nội dung và cách thức trả lời hết sức thân thiện của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã gây ấn tượng sâu sắc trong công chúng không chỉ ở TPHCM, mà còn trên cả nước. Sự kiện kết nối truyền thông trong môi trường truyền thông số chưa hề có tiền lệ này đã nói lên điều gì? 

Thứ nhất, trong bất kỳ trường hợp nào, nhất là khi xã hội có tình huống cấp bách, thậm chí là khủng hoảng, thì niềm tin của người dân với chính quyền, với Đảng và Nhà nước luôn là nguồn sức mạnh để cùng nhau vượt qua thách thức, nhất là trong đại dịch Covid-19 như hiện nay. Niềm tin chỉ có thể được hình thành từ thực tiễn cuộc sống, mà ở đó người dân và chính quyền thường xuyên kết nối, chia sẻ với nhau để hiểu nhau hơn và cùng nhìn về một hướng. 

Thứ hai, việc công khai chia sẻ thông tin giữa người dân và lãnh đạo thành phố qua chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” từng bước công khai và minh bạch hóa thông tin, xóa đi những khoảng tối thông tin mà từ đó, các thông tin trên mạng xã hội dễ lợi dụng để thổi lên những nghi vấn và chia rẽ… 

Thứ ba, chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” do Sở TT-TT TPHCM phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức trong điểm nóng của đại dịch này cũng góp phần nhắc nhở lãnh đạo các địa phương hãy quan tâm lắng nghe, giải thích và giải đáp kịp thời những bức xúc của người dân, để không chỉ giải tỏa tâm lý và tâm trạng xã hội, mà quan trọng là còn cùng với người dân tìm kiếm những giải pháp thực tế để cùng nhau vượt qua thách thức, khủng hoảng. Đây có thể coi là cách thức khơi dậy và kết nối sức mạnh mềm quốc gia, từ cộng đồng, không chỉ tạo nên năng lực quản trị khủng hoảng, mà còn là kênh kết nối nguồn lực trí tuệ, cảm xúc của nhân dân trong phát triển bền vững đất nước. 

Tin cùng chuyên mục