Kết nối người trẻ và nghệ thuật truyền thống

Một website thành lập không lâu nhưng đã thu hút hơn 70.000 lượt xem. Một fanpage mới dừng lại ở con số hơn 4.000 người theo dõi nhưng nhiều bài viết đã có hàng trăm lượt tương tác. Những con số ấy dẫu còn khiêm tốn nhưng phía sau dự án Trường ca kịch viện là những người trẻ mong muốn góp phần gìn giữ cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống.
Các thành viên Trường ca kịch viện tại triển lãm kết hợp với Espelune. Ảnh: TCKV
Các thành viên Trường ca kịch viện tại triển lãm kết hợp với Espelune. Ảnh: TCKV

Từ bước đi rụt rè…

“Trước đây, em thích nghệ thuật sân khấu nước ngoài, đặc biệt là nhạc kịch. Khi du học tại Australia, em cảm thấy hiểu biết của mình về nghệ thuật nước nhà rất ít. Từ đó, em đã tìm hiểu và nhận ra nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam vô cùng hay, không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa hiện thực và nhân văn”, Nguyễn Hữu Dương - đồng sáng lập, cựu trưởng ban tổ chức Trường ca kịch viện chia sẻ. Và dự án ra đời từ đó, với thành viên nòng cốt là các bạn học sinh THPT, sinh viên nhằm mục đích mang nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam đến gần hơn với giới trẻ. Khởi động từ đầu năm 2020 nhưng rơi vào đúng thời điểm dịch bệnh xuất hiện, nhóm chọn cách tiếp cận công chúng thông qua việc cung cấp thông tin tập trung và cơ bản về nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam; tổ chức triển lãm trực tuyến thông qua website và fanpage.

Đầu năm 2021, Trường ca kịch viện hợp tác với dự án nghệ thuật gây quỹ trẻ Espelune tổ chức một triển lãm nhỏ kết hợp chiếu phim tại Hà Nội. Mới đây nhất, nhóm tham gia đồng tổ chức chương trình “Sống với văn hóa dân gian” trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021. Ngoài ra, một dự án được nhóm ấp ủ và lên kế hoạch từ lâu là mở một triển lãm nghệ thuật lớn, nhưng vẫn đang chờ thời gian thích hợp khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn.

Hữu Dương kể, giai đoạn khởi đầu của dự án có rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn do đa phần thành viên là các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm làm dự án văn hóa. Chưa kể quy mô ban đầu dự án nhỏ, chưa có nhiều thành tựu, các mối quan hệ rộng nên việc tìm kiếm những đối tác và cố vấn giúp đỡ về nội dung, nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Dương cho hay: “Thành tựu lớn nhất đối với chúng em là sự ủng hộ nhiệt tình từ những người theo dõi dự án. Họ đến từ mọi miền trên cả nước; từ những em học sinh cấp 2 với đam mê văn hóa dân gian cho tới những nghệ sĩ có thâm niên như nghệ sĩ Xuân Hinh; từ một gia đình gắn bó với nghề thiết kế trang phục sân khấu truyền thống lâu năm cho đến nhiều họa sĩ trẻ đã sử dụng tư liệu của dự án làm cảm hứng cho các sản phẩm nghệ thuật của mình”.

Kết nối người trẻ
Trường ca kịch viện đã tận dụng các phương tiện truyền thông mạng để các bạn trẻ không chỉ được học mà còn có thể xem nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngay tại nhà. Nhóm cũng xác định yếu tố tiên quyết là phải tạo sự gần gũi từ nội dung với các chủ đề có thể liên hệ với cuộc sống; các kiến thức nhấn mạnh vào giá trị thay vì tập trung vào kỹ thuật chuyên môn… Nhóm đã nghiên cứu, tổng hợp được nhiều tư liệu về các bộ môn: rối nước, chèo, cải lương, dân ca quan họ, hát xẩm, tuồng, chầu văn, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử.

Hiện nay có rất nhiều dự án về văn hóa, nghệ thuật truyền thống do các bạn trẻ thực hiện. Tuy nhiên, Hữu Dương không nghĩ rằng đây là phong trào mang tính thời điểm. Điều ý nghĩa nhất anh cảm nhận là sự nhiệt tình và tận tâm của những người trẻ trong cộng đồng bảo tồn văn hóa. “Nếu một dự án có thể ảnh hưởng tốt đến cách khán giả nhìn nhận văn hóa dân gian, dù chỉ trong thời gian ngắn, thì cũng đã có chút đóng góp rồi”, anh nói.

Để dự án đi vào thực chất và ngày càng phát triển, điều quan trọng nhất là những người tham gia phải có mối quan tâm thực sự đến văn hóa dân gian, sẵn sàng dành thời gian để học hỏi, trải nghiệm và trau dồi. Kế đến là nguồn thông tin có độ tin cậy cao và những cố vấn chuyên môn, một mạng lưới hỗ trợ bởi nhiều cơ quan, tổ chức, dự án khác có thể cùng nhau hợp tác, trao đổi, học hỏi, phát triển.

Tín hiệu đáng mừng là sự kết nối, hợp tác và học hỏi giữa các nhóm có chung mục tiêu bảo tồn truyền thống ngày càng chặt chẽ. Nhóm hiện có mối quan hệ với các dự án: Chèo 48H, XplusX Studio, Sáng kiến văn hóa Việt Nam… Trong tương lai, cùng với các hoạt động trực tuyến, nhóm muốn có nhiều sự kết hợp hơn để đưa ra nhiều hoạt động trực tiếp có ý nghĩa ra công chúng.

“Ca kịch” trong tên gọi dự án là kịch và ca hát, gắn với chữ “trường” thể hiện tính trường tồn của nghệ thuật biểu diễn dân tộc. “Viện” ở đây có thể hiểu là một “học viện” hay “viện bảo tàng” nhằm giáo dục, sưu tầm và trưng bày những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật này.

Tin cùng chuyên mục