Kết nối du lịch với các hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng

Tại di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi Cà phê Đỗ Phủ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nghe em Trần Trọng Nhân, cháu nội ông Trần Văn Lai - chủ ngôi nhà, nguyên là cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn giới thiệu về hoạt động của các đội biệt động Sài Gòn giữa lòng địch.

Chiều 30-10, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM và Quận ủy quận 1 đã đi thăm các di tích lịch sử Biệt động Sài Gòn tại quận 1.

Kết nối du lịch với các hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng ảnh 1  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nghe em Trần Trọng Nhân, cháu nội ông Trần Văn Lai, giới thiệu về hoạt động của các đội biệt động Sài Gòn giữa lòng địch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi Cà phê Đỗ Phủ (số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nghe em Trần Trọng Nhân, cháu nội ông Trần Văn Lai - chủ ngôi nhà, nguyên là cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giới thiệu về hoạt động của các đội biệt động Sài Gòn giữa lòng địch.

Ông Trần Văn Lai và các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã hoạt động cách mạng ngay giữa lòng địch đầy nguy hiểm. Vách ngăn, cột, sàn gỗ và các vật dụng trong căn nhà đều là những nơi cất giấu tài liệu, hộp thư bí mật, kho vũ khí, hầm nổi che giấu lực lượng biệt động.

Kết nối du lịch với các hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng ảnh 2 Hiện vật trong ngôi nhà được các thế hệ con cháu ông Trần Văn Lai giữ nguyên trạng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các hiện vật trong ngôi nhà được các thế hệ con cháu ông Trần Văn Lai giữ nguyên trạng, phối hợp cùng UBND quận 1 và Công ty CP Lữ hành Fiditour khai thác tuyến du lịch “Ký ức Biệt động Sài Gòn” đưa du khách tham quan, thưởng thức món cơm tấm Đỗ Phủ và cà phê, bánh quẩy, bơ truyền thống của gia đình.

Kết nối du lịch với các hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi gia đình Anh hùng Trần Văn Lai tại Cà phê Đỗ Phủ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao mô hình du lịch kết hợp tham quan các di tích lịch sử mang dấu ấn tiếp nối truyền thống cách mạng để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, giới trẻ hiểu về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của lực lượng Biệt động Sài Gòn giữa bao hiểm nguy trong lòng địch.

Kết nối du lịch với các hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng ảnh 4 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các đại biểu, nhân chứng lịch sử tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham quan cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn tại số 145 Trần Quang Khải, nay là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên được nghe các cựu chiến sĩ biệt động giới thiệu về những hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn giữa lòng địch trong những năm chiến tranh ác liệt.

Ông Nguyễn Quốc Độ, Ban Liên lạc Câu lạc bộ truyền thống khối vũ trang biệt động, cho biết: Hiện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn còn lưu lại khá đầy đủ hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong đấu tranh cách mạng của lực lượng biệt động khối vũ trang trong lòng địch giữa nội đô. Các thế hệ biệt động Sài Gòn hoạt động bí mật tại cơ sở cách mạng này đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, lập nên nhiều chiến công vang dội, trong đó có Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Nhắc tới Biệt động Sài Gòn, mỗi chúng ta đều nhớ và học tập, noi gương các thế hệ đi trước, xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, phồn vinh hơn, hạnh phúc hơn, xứng đáng với những thế hệ cách mạng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng, dân tộc, thống nhất đất nước”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên xúc động nói.

Tin cùng chuyên mục