Kết nối cộng đồng cùng bảo vệ quyền trẻ em

5 năm qua, với sự quan tâm, phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã góp phần vào việc chăm sóc phát triển về thể lực và trí lực cho nhiều trẻ. 
Em Lâm Huế Bình (giữa) được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tặng sách vở, động viên đến trường
Em Lâm Huế Bình (giữa) được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tặng sách vở, động viên đến trường

Hành trình kết nối yêu thương

Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM được thành lập từ tháng 8-2014, nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân tại TPHCM có tâm huyết và tự nguyện chung sức, chung lòng để trẻ em có được những quyền cơ bản; ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến quyền trẻ em theo quy định của luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế.

“Chia sẻ yêu thương” là hoạt động trọng tâm được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức thường niên mỗi năm, nhằm góp phần cùng thành phố chăm lo cho các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. 

Ba mất khi chỉ mới 5 tuổi, em Lâm Huế Bình theo mẹ về nhà ngoại sinh sống. Căn nhà nhỏ ở phường 18 (quận 4, TPHCM) là nơi Bình đã trải qua thời niên thiếu gian truân. Mẹ Bình phụ bán cà phê vỉa hè, ai kêu gì làm đó, thu nhập không đáng là bao để trang trải cuộc sống gia đình.

Đang học lớp 8, Bình phải nghỉ học, đi phụ bán ở quán cháo gần nhà, đi phát tờ rơi… Khi quán cà phê vỉa hè mẹ Bình phụ việc bị dẹp, mẹ Bình cũng đi phụ bán cháo dinh dưỡng. Bình nhớ lại: “Em nghỉ học suốt 1 năm. Hai mẹ con đi làm thuê đủ thứ, chỉ mong đủ sống qua ngày. Có nhiều đêm, nhớ trường lớp, bạn bè, em ứa nước mắt. Em đã nghĩ có lẽ em không bao giờ còn được đến trường, được nghe thầy cô giảng bài, được vô tư như các bạn”. 

Bình nghỉ học hơn 1 năm vì gia cảnh khó khăn, các cô chú Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM biết chuyện đã đến tận nhà gặp gia đình, động viên Bình đi học. Bình được hội trao học bổng dài hạn, mua cho đồng phục, sách vở và hỗ trợ học phí suốt mấy năm liền.

Nay Bình vừa học xong lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4), đang ôn tập để hướng mục tiêu vào đại học. Bình xúc động chia sẻ: “Học bổng các cô chú ở hội trao cho em không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính, mà còn là tình cảm và sự chăm sóc đầy nghĩa tình. Đó là nguồn động viên em tiếp tục cố gắng học và vào đại học”.

Góp phần nâng nhận thức, trách nhiệm cộng đồng

Đã có nhiều trẻ em hoàn cảnh khó khăn như Lâm Huế Bình được Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM ân cần hỗ trợ trên con đường học tập. Ngoài học bổng ngắn hạn, dài hạn, hội có cả học bổng đột xuất cho trẻ em có cha mẹ đột ngột qua đời, hoặc gặp phải khó khăn nào đó trong quá trình học.

5 năm qua, hội đã trao 510 suất học bổng và gần 13.000 phần quà với tổng trị giá 4,5 tỷ đồng. Không chỉ với trẻ em TPHCM, hội còn hỗ trợ nhiều trẻ em tại các tỉnh, thành khác: tặng 8 căn nhà tình thương cho gia đình trẻ em bị khuyết tật, khó khăn; xây nhiều cây cầu giúp trẻ đi học an toàn tại Long An, Bạc Liêu; phổ biến 9.000 sổ tay về quyền trẻ em… 

Trong chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 5 vừa diễn ra, hội đã xét tặng học bổng ngắn hạn hoặc dài hạn cho hơn 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó có các cháu mồ côi ở mái ấm, nhà mở, hoặc con của các công nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có một số trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ khuyết tật, trẻ bị xâm hại.

Chương trình không chỉ mang đến cho các em những món quà về vật chất mà còn là những món quà tinh thần để các em cảm nhận được tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng.

Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết: “Trong thời gian qua, tại TPHCM đã có không ít trường hợp vi phạm quyền trẻ em, như sử dụng lao động, xâm hại, bạo hành; có nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, vi phạm pháp luật, lang thang kiếm sống…

Vì vậy, với chương trình “Chia sẻ yêu thương”, hội sẽ tăng cường công tác truyền thông về quyền trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

Tin cùng chuyên mục