Kéo dài thời gian thử việc để trốn đóng BHXH

Theo Điều 6 Nghị định 88/2015, người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động thử việc quá một lần đối với một công việc, hoặc thử việc quá thời gian quy định, sẽ bị phạt tiền 2 - 5 triệu đồng.
Điều 27 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã quy định cụ thể về thời gian thử việc của người lao động.
Theo đó, thời gian thử việc căn cứ tính chất và mức độ phức tạp của công việc, nhưng chỉ thử việc một lần đối với một công việc, và đảm bảo các điều kiện: không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác. 
Mặc dù Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể như vậy, nhưng nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã lách luật bằng cách thử việc nhiều lần đối với người lao động làm cùng một công việc. Có cơ quan, doanh nghiệp lấy lý do trong thời hạn thử việc, người lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, do đó cần tiếp tục kéo dài thời gian thử việc để đảm bảo tay nghề.
Cá biệt, có doanh nghiệp lách luật bằng cách sau khi hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động ra thông báo chấm dứt hợp đồng thử việc, để rồi sau đó ký kết lại hợp đồng thử việc khác nhằm mục đích kéo dài thời gian thử việc đối với người lao động. 
Việc cơ quan, doanh nghiệp kéo dài thời gian thử việc đối với người lao động là nhằm mục đích trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.
Từ ngày 1-1-2018, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành, quy định đối với hợp đồng lao động thời vụ, hợp đồng làm việc có thời hạn từ 1 tháng trở lên cũng là đối tượng bắt buộc tham gia đóng BHXH (trừ hợp đồng lao động thử việc).
Do vậy, tình trạng doanh nghiệp lách luật, vi phạm hợp đồng lao động về thời gian thử việc sẽ tăng lên, tình trạng trốn đóng, vi phạm pháp luật về BHXH sẽ xuất hiện tràn lan và nhiều hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa quyền và lợi ích chính đáng của người lao động bị vi phạm nghiêm trọng.
Theo Điều 6 Nghị định 88/2015, người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động thử việc quá một lần đối với một công việc, hoặc thử việc quá thời gian quy định, sẽ bị phạt tiền 2 - 5 triệu đồng.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, cơ quan chức năng cần kiểm tra, thanh tra phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm đối với hợp đồng lao động thử việc nhằm mục đích trốn đóng BHXH, vi phạm chế độ, quyền lợi của người lao động.
Cần nâng cao hơn nữa mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thời gian thử việc, bởi mức xử lý như quy định hiện tại còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.
Cũng cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động theo hướng quy định thời gian thử việc trọn tháng (hiện tại quy định theo ngày), để thuận tiện hơn cho doanh nghiệp khi tiến hành ký kết hợp đồng lao động chính thức và tuyển dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

Tin cùng chuyên mục