Kéo dài hỗ trợ thu nhập với giáo viên mầm non

Từ năm học 2014-2015, giáo viên được tuyển dụng mới tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn TPHCM được hỗ trợ tăng thêm thu nhập theo Nghị quyết 01 của HĐND TPHCM, ban hành ngày 14-6-2014. Tuy nhiên, từ tháng 9-2020, quy định này không còn hiệu lực gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống giáo viên. 
Cô Nguyễn Hạnh Linh Đan, giáo viên Trường Mầm non 8 (quận 3), hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập
Cô Nguyễn Hạnh Linh Đan, giáo viên Trường Mầm non 8 (quận 3), hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập

Chạnh lòng 

Có mặt tại Trường Mầm non 8 (quận 3) những ngày cuối năm, trong không khí nhà nhà mừng xuân, đón tết, cô Nguyễn Hạnh Linh Đan, giáo viên phụ trách phòng hỗ trợ giáo dục cá nhân (phòng học dành riêng cho trẻ khuyết tật học hòa nhập), chia sẻ với PV Báo SGGP, năm học 2020-2021 là năm thứ 3 cô công tác tại trường. 2 năm trước, ngoài thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp theo quy định cho giáo viên ở bậc học này, cô Linh Đan và các đồng nghiệp được hỗ trợ thêm 100% lương cơ sở/người/tháng năm đầu tiên và 70% lương cơ sở/người/tháng trong năm thứ 2. 

“Số tiền hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/tháng giúp tôi rất nhiều trong việc trang trải chi phí sinh hoạt, ăn ở, thuê nhà trọ do 2 vợ chồng đều là dân tỉnh. Năm học này, tôi tiếp tục được nhận hỗ trợ 50% lương cơ sở với năm thứ 3 công tác nhưng do quy định hết hiệu lực nên không được nhận”, cô Linh Đan cho biết. Cuộc sống đang ổn định, mọi chi phí sinh hoạt đã được tính toán cẩn thận thì từ tháng 9-2020 hỗ trợ bị ngưng khiến kế hoạch chi tiêu phải thay đổi theo. 

Tương tự, với cô giáo trẻ Trần Ngọc Nguyên, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3), năm học 2018-2019, cô được tuyển dụng vào trường. Ngoài lương và các khoản phụ cấp, cô được hỗ trợ thêm 100% lương cơ sở mỗi tháng. Năm học 2019-2020, cô Ngọc Nguyên tiếp tục được nhận hỗ trợ 70% lương cơ sở. Tuy nhiên, từ tháng 9-2020, hỗ trợ bị ngưng lại khiến sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng. Cô Ngọc Nguyên bày tỏ: “Lương hiện tại của tôi là 3.520.000 đồng/tháng, tôi dành 20% cho việc học tập nâng cao trình độ, 20% chi phí chăm sóc y tế, 30% phí sinh hoạt hàng ngày và 30% còn lại cho ăn uống. Nếu chia đều, tính ra mỗi ngày tiền ăn chưa đến 35.000 đồng”. Cũng theo giáo viên này, những năm trước, trường có thêm các khoản hỗ trợ đời sống giáo viên từ tiền thu bán trú, tổ chức ăn sáng hơn 3 triệu đồng/người/tháng, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng học sinh sụt giảm nên khoản hỗ trợ này cũng bị ảnh hưởng...

Với cô Nguyễn Ngọc Linh, cử nhân chuyên ngành Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, vừa được tuyển dụng vào trường, thì “chạnh lòng” là điều khó tránh khỏi khi so với các đồng nghiệp đi trước, bởi cô không được nhận bất kỳ hỗ trợ nào. 

Đề xuất kéo dài hỗ trợ thêm 3 năm

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Nghị quyết 01 của HĐND TP với nhiều nội dung quan trọng như hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng với giáo viên tuyển dụng mới trong năm đầu tiên, hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng với năm thứ 2 và 50% lương cơ sở/người/tháng với năm thứ 3. Ngoài ra, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 - 18 tháng tuổi được hỗ trợ 35% tiền lương/tháng; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hỗ trợ 25% tiền lương/tháng do tính chất công việc. Đến nay, trong khi các chế độ, chính sách khác đang tiếp tục thực hiện thì quy định về hỗ trợ thu nhập đối với giáo viên mầm non không còn hiệu lực thi hành. 

Hiện nay, Sở GD-ĐT đã có văn bản tham mưu UBND TPHCM tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ thu nhập đối với giáo viên tuyển dụng mới ở bậc học mầm non, bởi đây là nguồn động viên to lớn về vật chất lẫn tinh thần giúp các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM nhiều năm gần đây đang thực hiện chính sách mở rộng tuyển dụng, bãi bỏ quy định về hộ khẩu với các ứng viên. Đây là một trong những biện pháp nhằm giải quyết kịp thời bài toán thiếu giáo viên ở bậc mầm non, qua đó thu hút thêm nguồn lực ứng viên trong và ngoài thành phố, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, với mức sống hiện nay ở thành phố, thu nhập từ lương không đủ cho giáo viên toàn tâm, toàn ý cống hiến với nghề, dẫn đến tình trạng giáo viên bỏ việc hoặc tìm môi trường khác có thu nhập tốt hơn. 

Đồng quan điểm, theo thầy Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3), hiện nay tỷ lệ giáo viên tuyển dụng mới chiếm 10% giáo viên của các đơn vị. Đây cũng là lực lượng thiệt thòi nhiều nhất bởi quy định bất cập lâu nay về chế độ, chính sách dành cho giáo viên ở bậc học này, là giáo viên trình độ cao đẳng, đại học nhưng sau khi ra trường được xếp lương ở bậc trung cấp. Trong khi đó, ngoài yêu cầu tái tạo sức lao động, giáo viên cần thêm chi phí để học tập nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật các ứng dụng công nghệ thông tin. “Tôi đề xuất thành phố kéo dài thời gian hỗ trợ thu nhập với giáo viên mới ra trường thêm 3 năm để các thầy, cô ổn định đời sống, đồng thời chờ đợi các chính sách dài hơi hơn về cải cách tiền lương”.

Tin cùng chuyên mục