Kênh thông tin pháp luật hiệu quả

Đó là 2 trong nhiều buổi TGPL tại trường học trên địa bàn thành phố do Trung tâm TGPL Nhà nước TPHCM phối hợp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật một số quận huyện tổ chức.
Học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú đang được trợ giúp pháp lý
Học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú đang được trợ giúp pháp lý

“Chú cho con hỏi, trẻ em có các quyền gì theo Luật Trẻ em?”, em N. (học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú) nêu câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Quốc Bảo, cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (viết tắt TGPL) Nhà nước TPHCM, giải đáp: “Theo Luật Trẻ em và các luật liên quan người vị thành niên thì trẻ em có nhiều quyền; như quyền được sống, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, quyền vui chơi, giải trí, quyền về tài sản, quyền bí mật đời sống riêng tư... Nhà nước ta rất chú trọng thế hệ tương lai và luôn đảm bảo cho trẻ em được hưởng, được thực hiện các quyền của mình”.

Thoáng ngập ngừng, em N. hỏi tiếp: “Cha mẹ con muốn cắt đứt quan hệ vợ chồng trên mặt pháp lý, vậy con có còn được yêu thương, chăm sóc từ cha mẹ nữa hay không”.

Đây là lo lắng trong lòng em nhiều tháng qua, từ lúc biết cha mẹ có ý định ly hôn, nhưng không biết hỏi ai, giờ đã có câu trả lời: “Nếu con sống với cha, thỉnh thoảng con có thể về quê thăm mẹ và bà ngoại; còn con sống với mẹ thì vẫn có quyền đến thăm cha. Dù thế nào, con vẫn sẽ luôn được cha mẹ yêu thương”.

Với em T. (học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Tân Phú), điều em quan tâm là một người lập tài khoản Facebook giả mạo một người để nói xấu, bôi nhọ danh dự người khác có bị xử lý hay không?

Thắc mắc này được luật sư Bùi Thị Hồng Vân, cộng tác viên của Trung tâm TGPL Nhà nước TPHCM, giải thích rõ ràng: “Nếu xác định được tài khoản Facebook đó là của ai và có bằng chứng rằng lời lẽ bôi nhọ danh dự người đó viết ra gây ra ảnh hưởng với mình, thì có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc trình báo cơ quan công an. Mình cũng cần nhờ văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về việc bài viết trên trang Facebook “ảo” bôi nhọ danh dự, nhân phẩm để có căn cứ xử lý hành vi này”.

Bàn bên cạnh, các cộng tác viên khác của Trung tâm TGPL Nhà nước TPHCM cũng lắng nghe, chia sẻ, giải đáp những câu hỏi của các em học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ về độ tuổi và thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự; việc thay đổi giới tính đã được công nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam chưa; trẻ em dưới 14 tuổi có được đi làm thêm vào buổi tối để kiếm tiền không... Phần tư vấn chi tiết, dễ hiểu, đi vào từng vụ việc cụ thể, giúp các em có thêm kiến thức pháp luật đối với vấn đề mình quan tâm. 

Đó là 2 trong nhiều buổi TGPL tại trường học trên địa bàn thành phố do Trung tâm TGPL Nhà nước TPHCM phối hợp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật một số quận huyện tổ chức.

Những buổi TGPL đều được ban giám hiệu các nhà trường đánh giá cao vì giúp các em học sinh không chỉ hiểu mà còn tự giác chấp hành pháp luật, tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; đồng thời giúp các em hiểu được quyền lợi của bản thân, chủ động phòng ngừa nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực.

Ngoài ra, qua những buổi TGPL, một số học sinh tự điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình theo đúng chuẩn mực; góp phần xây dựng môi trường học đường thân thiện, an toàn.

Vì thế, những buổi TGPL tại trường học trở thành kênh thông tin, hỗ trợ pháp luật đến học sinh một cách hiệu quả và cần được duy trì, tăng cường.

Với các em học sinh, những buổi TGPL tạo được sự thu hút do các luật sư, cộng tác viên của Trung tâm TGPL Nhà nước TPHCM có thể giải tỏa được những thắc mắc mà các em khó trải lòng với thầy cô, với người thân.

Như lời các em, việc tâm sự với “người lạ” sẽ tạo sự yên tâm rằng “bí mật” của mình sẽ được giữ kín; vậy nên các em thoải mái xin ý kiến về nhiều vấn đề nơi học đường, trong cuộc sống. 

Tin cùng chuyên mục