Kênh phân phối góp phần giảm rác thải nhựa

Nhiều chương trình, giải pháp cụ thể để loại dần rác thải nhựa đã và đang được các hệ thống kênh phân phối thực hiện quyết liệt, để góp phần mang tới môi trường sống “xanh” vì sức khỏe của người Việt.
Người tiêu dùng chọn mua ống hút giấy tại Co.opmart
Người tiêu dùng chọn mua ống hút giấy tại Co.opmart

Theo Bộ Công thương, lưu thông hàng hóa tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa qua các kênh truyền thống là chợ và siêu thị. Thống kê từ Bộ Công thương, cả nước hiện có trên 8.460 chợ trong quy hoạch, 1.007 siêu thị và trung tâm mua sắm; hơn 5.000 cửa hàng chuyên doanh các mặt hàng điện tử, điện máy với sự hiện diện của các siêu thị chuyên ngành về điện máy, may mặc, thời trang; ngoài ra còn hàng chục ngàn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi phân phối rộng khắp cả nước. 

Tuy nhiên, trong hoạt động mua bán, sử dụng túi ni lông cũng như các sản phẩm từ nhựa vẫn diễn ra phổ biến ở những kênh phân phối này. Việc giảm thiểu rác thải nhựa trong hệ thống kênh phân phối tiêu dùng khi được thực hiện bài bản sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Từ năm 2008, chuỗi siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op đã hưởng ứng chủ trương tiết kiệm bao bì với khẩu hiệu “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường”.

Theo đó, chương trình “Co.opmart - Vì môi trường xanh” đã được thực hiện bằng nhiều hình thức hấp dẫn, nhằm tạo cho người tiêu dùng thói quen tiết kiệm bao bì, phân loại rác tại nguồn và dùng túi sử dụng nhiều lần.

Nhà bán lẻ này cũng hưởng ứng hàng loạt sự kiện bảo vệ môi trường như: Giờ Trái đất (27-3), Ngày Trái đất (22-4), Ngày Môi trường thế giới (5-6) bằng việc tắt đèn bảng hiệu, chiếu sáng, tiết giảm điện, phát thanh trong siêu thị để tuyên truyền, cổ động khách hàng cùng Co.opmart chung tay bảo vệ môi trường. 

Đại diện nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, tiếp nối những hoạt động trên, năm 2011, Co.opmart đã trở thành hệ thống bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam mạnh dạn thay thế hệ thống túi nhựa bằng túi tự hủy sinh học thân thiện với môi trường. Năm 2019, Co.opmart cũng “phát pháo” đầu tiên khi thực hiện bọc thực phẩm bằng lá chuối và lan tỏa rộng rãi đến các kênh phân phối khác.

Cũng năm 2019, Saigon Co.op đã tiên phong loại ống hút nhựa ra khỏi các hệ thống siêu thị và chỉ kinh doanh ống hút giấy, ống hút thủy tinh, inox sử dụng nhiều lần. Hành động quyết liệt của Saigon Co.op buộc các nhà cung cấp phải chuyển đổi sang sản xuất ống hút giấy thân thiện với môi trường. 

Năm 2020, đại diện Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op đã kết hợp nhiều hoạt động định hướng tiêu dùng xanh như: phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức Chiến dịch Tiêu dùng xanh; kết hợp với nhãn hàng Milo, tiến hành thu vỏ hộp và tặng sữa, tặng quà để tuyên truyền kiến thức phân loại rác ngay tại nguồn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Riêng về công tác kích cầu, trong suốt tháng 6-2020, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile... trên cả nước đã đồng loạt lấy chủ đề “Tháng tiêu dùng xanh” vừa giảm giá các mặt hàng thiết yếu, vừa hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của những doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt công tác môi trường, kích cầu sản phẩm thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Các hoạt động này đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức về mua sắm xanh của người tiêu dùng. Kết quả ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart cho thấy, trong Tháng tiêu dùng xanh 2020, lượt khách trung bình tăng hơn 30% so với tháng trước đó, doanh số tăng gần 20% so với Tiêu dùng xanh năm trước. Ngoài ra, các nhãn hàng trà túi lọc, nước tẩy, nước ngọt, dầu gội đầu của các thương hiệu thực hiện tốt chiến dịch môi trường điển hình như Ariel, Cosy, Lifebuoy, Lipton, Pantene, Pepsi, Sprite, Yomost... được người tiêu dùng ủng hộ nên doanh số tăng từ 10%-20%. 

Ngoài Saigon Co.op, các hệ thống siêu thị khác như Aeon, Lotte Mart… cũng chủ động trong việc loại dần rác thải nhựa trong quá trình kinh doanh. Trung tâm thương mại Aeon Việt Nam cùng các đối tác đồng loạt tổ chức các chương trình bảo vệ môi trường như: Phân loại rác thải nhựa theo hình thức bắt mắt nhằm nâng cao hiệu quả về xử lý và tái chế rác thải ngay từ khâu thu gom; khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường… 

Theo Bộ Công thương, cùng những chủ động của hệ thống kênh phân phối tiêu dùng, bộ này cũng đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa ra khỏi hệ thống phân phối, thương mại, từng bước hình thành hệ thống phân phối xanh. 

Cùng với Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020-2030 đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Dự thảo khuyến khích phát triển các loại hình DN thương mại kinh doanh hàng hóa chuyên ngành hoặc kinh doanh hàng hóa tổng hợp, hàng hóa không gây ô nhiễm môi trường, các công ty thương mại bán lẻ hiện đại, công ty logistics, DN quản lý và kinh doanh chợ, DN liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ… 

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày cả nước thải ra môi trường 2.500 tấn rác thải nhựa và Việt Nam Nam đứng thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việc “xanh hóa” các hệ thống phân phối này sẽ là hoạt động thiết thực, cần thiết để loại dần rác thải nhựa và cách làm của Saigon Co.op cũng như các hệ thống phân phối khác rất đáng khích lệ. 

Tin cùng chuyên mục