Kênh đào Suez và sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020. Vụ mắc cạn của “siêu tàu” Ever Given đã khiến một số lượng hàng hóa có tổng giá trị từ 3 đến 9,6 tỷ USD lênh đênh trên biển với nhiều nguy cơ rình rập.

422 con tàu sẵn sàng chờ đợi và không muốn thay đổi lộ trình. Ảnh: Reuters
422 con tàu sẵn sàng chờ đợi và không muốn thay đổi lộ trình. Ảnh: Reuters

Sau khi giải cứu thành công “siêu tàu” Ever Given, vốn bị mắc cạn trong kênh đào Suez gần một tuần qua, tính đến sáng 30-3 (giờ địa phương), theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), đã có 113 tàu đi qua kênh đào Suez theo cả 2 chiều. Nếu SCA duy trì số lượng tàu như trên thì các tàu đang ùn ứ có thể đi qua kênh đào Suez trong vòng 3 đến 3,5 ngày tới.

Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng từ khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020. Vụ mắc cạn đã khiến một số lượng hàng hóa có tổng giá trị từ 3 đến 9,6 tỷ USD lênh đênh trên biển với nhiều nguy cơ rình rập.

Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, phương thức vận tải chính của thương mại toàn cầu là vận tải hàng hải với khoảng 90% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển.

Báo Channel News Asia ngày 30-3 dẫn lời Phó Giáo sư Goh Puay Guan của Đại học NUS (Singapore) nhận định: “Sau sự cố này, các cuộc thảo luận nghiêm túc về hậu quả tài chính và các lựa chọn phương thức vận tải thay thế chỉ mới bắt đầu”.

Trước đó, khi kênh đào Suez còn bế tắc, những hãng vận tải đường biển lớn như Maersk đã phải điều hướng nhiều tàu của mình theo lộ trình qua Mũi Hảo Vọng, khiến lịch trình vận chuyển kéo dài hơn 10 ngày. Khi kênh đào Suez được giải tỏa, 422 tàu sẵn sàng đợi để đi qua kênh đào Suez và không có tàu nào muốn thay đổi lộ trình.

Hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không có thể được sử dụng cho các mặt hàng có khối lượng nhỏ hơn và trọng lượng thấp, đối với các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thời trang và điện tử. Tuy nhiên, vận tải hàng không khó có thể được lựa chọn nhiều cho việc vận chuyển lớn đối với các mặt hàng như đồ nội thất, phụ tùng máy móc… Khi các doanh nghiệp không sử dụng tàu, họ sử dụng vận tải đường sắt và vận tải đường bộ. Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vận chuyển đường dài xuyên biên giới nhiều nước kém hiệu quả hơn do việc tăng cường kiểm tra, sàng lọc và hải quan làm chậm thời gian chờ đợi tại cửa khẩu biên giới.

Theo giới chuyên gia, về dài hạn, sự cố kênh đào Suez sẽ giúp củng cố xu hướng chuỗi cung ứng mới để đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh của các công ty. Tuy nhiên, việc đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng sẽ đắt hơn vì nó đòi hỏi phải đáp ứng nhiều nguồn và liên tục, điều này có thể làm tăng chi phí hậu cần, ảnh hưởng giá sản phẩm. Vì vậy, các công ty chỉ lựa chọn phương án vận chuyển được đánh giá là xa xỉ này phục vụ các nguồn cung cấp thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và năng lượng… khi gặp sự cố bất khả kháng. Qua sự cố kênh đào Suez, trong kế hoạch dài hạn của các công ty đã bắt đầu có sự thay đổi, bởi đây là một lời nhắc nhở tiếp tục về sự cần thiết phải đa dạng cách thức vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục