Kể sao cho hết những ân tình

Mỗi ngày, hàng trăm bếp ăn từ thiện tại TPHCM đỏ lửa để chuyển những phần ăn đến người dân đang bị phong tỏa, cách ly, người nghèo khó do ảnh hưởng dịch Covid-19. TPHCM cũng đang đón hàng chục chuyến xe nghĩa tình từ khắp mọi miền Tổ quốc. Những dòng chữ “Xe cứu trợ” hay “Xe chở thực phẩm cho bà con TPHCM” đỏ rực, làm ấm lòng người trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch.

Thời điểm này, không ra đường khi không cần thiết là nỗ lực của mỗi người dân nhằm chấp hành tuyệt đối các quy định về giãn cách. Ăn uống là nhu cầu cơ bản nhất, nhưng nhiều gia đình đã tìm cách tiết chế, sắp xếp sao cho việc chợ búa thật đơn giản.

TPHCM hiện có trên 3.000 điểm phong tỏa với hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài sự hỗ trợ của địa phương, thì thực phẩm từ các xe hàng hỗ trợ của các tỉnh thành và các tổ chức thiện nguyện tại TPHCM trở thành nguồn cung chủ yếu đến các hộ gia đình này. 

Trong khi các bếp ăn từ thiện tại TPHCM đỏ lửa chăm lo cho người nghèo, và nhiều gian hàng 0 đồng nở rộ ở các con hẻm, thì khắp mọi ngả đường, hàng trăm xe hàng liên tỉnh cũng đang nối đuôi nhau hướng về TPHCM. Trong đó có hơn 1.000 tấn thực phẩm trong 60 container từ tỉnh Thanh Hóa, hay gần 10.000 chiếc bánh chưng của đồng bào dân tộc ở tỉnh Hà Giang sắp cập bến TPHCM, và hàng trăm tấn rau củ từ Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên… kể sao cho hết những ân tình mà bà con từ khắp các vùng miền dành cho thành phố vào thời điểm này. 

Hiện nay, mặc dù nhiều địa phương trên cả nước đang bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, hay nhiều hình thái thời tiết cực đoan, đời sống người dân trong năm qua cũng bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19; nhưng, các địa phương vẫn dành tâm sức, tiền của để hỗ trợ người dân thành phố lúc khó khăn. Những chuyến xe về thành phố mỗi ngày lại nhiều thêm. Từng chiếc bánh, bó rau, hũ mắm… đều được các hội đoàn, chính quyền địa phương gửi tận tay người lao động, các xóm trọ nghèo, các gia đình bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19, hay các chốt trực chống dịch đang căng mình không kể ngày đêm.

Còn nhớ những cánh tay nhất tề xung phong từ TPHCM đến Bắc Giang, Hải Dương, đi Gia Lai hay về Kiên Giang để bổ sung lực lượng điều trị cho các bệnh viện Covid-19. Không thể quên hình ảnh người bác sĩ trẻ chưa đầy 30 tuổi, cạo trọc đầu tiến thẳng vào tâm dịch Bắc Giang sau lá đơn tình nguyện. Và giờ đây, chúng ta gặp lại những hình ảnh tình nguyện đáng trân trọng ấy từ hàng ngàn y bác sĩ, sinh viên y khoa của Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương… dành cho TPHCM. Theo Bộ Y tế, khoảng 10.000 nhân lực của ngành y trên cả nước luôn sẵn sàng có mặt tại TPHCM tham gia chống dịch Covid-19 ở mọi nhiệm vụ: truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị… Trước nghĩa tình ấy, sẻ chia ấy, rõ ràng là vô giá, không gì có thể sánh được.

Cũng trong những ngày này, nhiều chuyến xe khách do các tỉnh thành bố trí đã đưa người lao động từ TPHCM trở về quê hương. Không thể ngăn được xúc động khi chứng kiến sự bịn rịn của những người từng xem TPHCM là quê hương thứ 2, nay đành phải trở về quê vì những vất vả gian nan trong đại dịch Covid-19. Thật may mắn, khi chính quyền các tỉnh, thành miền Trung đã có chủ trương nhân văn và kịp thời này. Đó cũng là một cách hết sức thực tế để san sẻ khó khăn cùng TPHCM. Nghĩa tình của hàng vạn người lao động với thành phố sau những năm tháng mưu sinh, vẫn nguyên vẹn, trên chuyến xe hồi hương. 

Đoàn kết và đồng lòng, một lần nữa lại cho thấy sức mạnh to lớn với dân tộc. TPHCM đã và đang đồng lòng, thực hiện nghiêm túc các quy định giãn cách, nắm chặt tay nhau, cùng giúp nhau vượt qua dịch bệnh. 

Tin cùng chuyên mục