Kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19: Có mang lại sự tiếp cận bình đẳng?

Liên minh châu Âu, Anh và các đối tác EU nhất trí một kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho ít nhất 40% dân số của họ, động thái này có thể ảnh hưởng kế hoạch tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mỹ trước đó cũng lên kế hoạch tiêm chủng rộng rãi vaccine ngừa Covid-19 cho công dân.
EU và Mỹ đã đặt hàng trăm triệu liều vaccine ngừa Covid-19
EU và Mỹ đã đặt hàng trăm triệu liều vaccine ngừa Covid-19

Hạn chế lượng người được tiếp cận

Mục tiêu tiêm chủng sớm của EU là ít nhất 40% dân số của họ cần được tiêm chủng sơ khởi cao gấp 2 lần mục tiêu do WHO đề ra (mua vaccine ngừa Covid-19 cho 20% dân số thế giới). Cho tới nay, chưa có vaccine ngừa Covid-19 nào được chấp thuận, trừ một vaccine được chuẩn thuận tại Nga trước khi được thử nghiệm rộng rãi. 

Hợp đồng ký kết giữa Tập đoàn Dược phẩm Anh AstraZeneca và Ủy ban châu Âu (EC) cho phép mua 300 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trị giá 336 triệu EUR cho tất cả các quốc gia thành viên của EU, cũng như tài trợ cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp ở châu Âu. EC nhiều lần ủng hộ khuynh hướng tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu nhằm mang lại sự tiếp cận bình đẳng cho mọi người trên toàn thế giới. 

Theo AP, EC đang thực thi điều có thể được xem tương đương như chiến lược “châu Âu trước tiên”, trong đó công dân EU được ưu tiên và việc này có thể gây phương hại cho sự tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu. EC yêu cầu 27 nước thành viên EU không mua vaccine qua kế hoạch mua bán do WHO chỉ đạo, mà sử dụng kế hoạch thay thế của EU vốn được xem là nhanh hơn và rẻ hơn.

Trước đó, vào giữa tháng 8, Chính phủ Mỹ đã đồng ý mua 100 triệu liều vacine của Công ty Công nghệ sinh học Moderna trị giá 1,5 tỷ USD và sẽ tiêm miễn phí cho công nhân, nhất là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19. Chưa kể khả năng Mỹ mua vaccine ngừa Covid-19 của các công ty khác ước tính có thể lên đến 800 triệu liều, hơn gấp đôi dân số Mỹ (hơn 330 triệu người). 

Các nước giàu có lợi thế 

Các quốc gia giàu có đã đi trước phần còn lại của thế giới trong việc đạt được thỏa thuận cung ứng với các nhà sản xuất một số vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng. Theo một bài tường thuật của Tạp chí Nature, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình như Ấn Độ có thể phải chờ đợi lâu hơn mới có vaccine ngừa Covid-19. Theo WHO, hiện có khoảng 31 vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm trên người, trong đó đáng chú ý là các vaccine của Oxford/AstraZeneca (Anh), Moderna và Johnson & Johnson (Mỹ), Pfizer/BioNTech (Đức). Ngoài Mỹ và EU đặt mua vaccine ngừa Covid-19 như đã nói trên, Anh và Nhật Bản cũng đã đặt mua vaccine này trị giá hàng trăm triệu USD.

Trong khi các nền kinh tế phát triển đã cam kết trả trước một khoản tiền cho các nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19, các quốc gia đang phát triển có thể cần phụ thuộc vào một nỗ lực quốc tế do WHO đứng đầu có tên là Liên minh Vaccine toàn cầu (Covax). Covax liên quan đến nhà tài trợ vaccine có tên Gavi và CEPI có trụ sở tại Geneva nhằm mục đích đảm bảo 2 tỷ liều trên toàn cầu. Trong số này, một tỷ liều dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chiếm một nửa dân số thế giới với giá thấp hoặc miễn phí. Một tỷ liều còn lại dành cho 75 quốc gia giàu có hơn, những người sẽ tự trả tiền cho vaccine ngừa Covid-19.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, thế giới phải ngăn chặn “chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Tạp chí Nature dẫn lời Mark Feinberg, người đứng đầu Sáng kiến vaccine phòng chống AIDS quốc tế ở New York, nói: “Chúng ta sẽ không loại bỏ được đại dịch Covid-19 cho đến khi chúng ta trừ nó ở khắp mọi nơi”.

Tin cùng chuyên mục