Kế hoạch Hòa bình Trung Đông gây tranh cãi

Ngày 29-1, dư luận đã phản ứng trái chiều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông đề xuất giải pháp “hai nhà nước” cùng tồn tại cho Israel và Palestine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông tại Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông tại Nhà Trắng

Hoan nghênh một cách thận trọng

Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump đề xuất thành lập Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện nghiêm ngặt cụ thể, trước hết là người Palestine phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, điều mà người Palestine từ trước tới nay kiên quyết bác bỏ. Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra một bản đồ đề xuất phác thảo hai nhà nước, theo đó Palestine sẽ có quyền kiểm soát vùng diện tích lãnh thổ lớn gấp đôi, xây dựng một đường hầm nối Bờ Tây và Dải Gaza.

Về phần Israel, theo kế hoạch, Mỹ sẽ công nhận các khu định cư của Israel xây dựng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine tại khu Bờ Tây, những khu định cư Do Thái đang bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc Washington công nhận chủ quyền của Israel tại một phần khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan và tất cả các cộng đồng người Do Thái tại Bờ Tây.

Đổi lại, Israel sẽ phải đồng ý dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới trong vòng 4 năm trong khi đàm phán vấn đề nhà nước Palestine. Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục “là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel”. Bản kế hoạch còn bao gồm phần kinh tế, theo đó các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp hơn 50 tỷ USD/năm để thúc đẩy kinh tế cho Palestine và các nước láng giềng Ai Cập, Jordan trong 10 năm tới, đã được công bố từ giữa năm ngoái.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng ca ngợi kế hoạch này là hướng đi thực tế tới hòa bình lâu dài, đảm bảo chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan. Theo ông Netanyahu, đề xuất của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ bao gồm việc Mỹ công nhận các khu định cư là một phần của Israel. Giới chức Anh hoan nghênh một cách thận trọng về kế hoạch nói trên của Tổng thống Mỹ. Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, cho biết, EU sẽ nghiên cứu và đánh giá những đề xuất của Tổng thống Donald Trump dựa trên cam kết đối với giải pháp hai nhà nước có tính đến những nguyện vọng chính đáng của cả Israel và Palestine.

Trong một tuyên bố ra cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ), ông Stephane Dujarric, khẳng định, tổ chức đa phương này duy trì cam kết đối với giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967. Ông nêu rõ, trong suốt những năm qua, quan điểm của LHQ về giải pháp hai nhà nước đã được xác định rõ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ và Đại Hội đồng LHQ.

Hoài nghi và phản đối

Sau khi Kế hoạch Hòa bình Trung Đông được công bố, Bộ Ngoại giao Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng lên tiếng phản đối. Phía Palestine cho rằng, thỏa thuận trên sẽ hủy hoại triển vọng của một giải pháp đàm phán mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông. Trong một động thái hiếm có, hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah đã nhóm họp ở TP Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các nỗ lực chung phản đối Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Để phản đối Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ, một loạt cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tiến hành ở cả Bờ Tây và Dải Gaza. Các hoạt động này được đánh giá sẽ làm tăng nguy cơ đụng độ với quân đội Israel. Để đối phó, quân đội Israel cho biết, họ đã tăng cường an ninh ở Thung lũng Jordan, một khu vực rộng lớn ở Bờ Tây mà Chính phủ Israel dự định sáp nhập.

TTK Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit cho rằng, việc áp đặt mọi giải pháp đối với cuộc xung đột giữa Palestine và Israel sẽ không thành công. Ông nhấn mạnh, đàm phán giữa Israel và Palestine là con đường duy nhất để đạt được một thỏa thuận hòa bình thực sự, nghiêm túc và cân bằng.

Nhận định về chính sách Trung Đông của Chính phủ Mỹ, giới quan sát cho rằng, bằng cách thể hiện sự ủng hộ đối với Israel về các khu định cư Do Thái cũng như công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Israel, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang tỏ lập trường thiên vị trong vấn đề này. Washington đang ngày càng coi trọng mối quan hệ đồng minh mang lại lợi ích chiến lược với Israel. Điều đó hoàn toàn khác so với thời của cựu Tổng thống Obama, khi quan hệ Mỹ - Israel phát triển theo chiều hướng xấu đi. Tuy nhiên, chính sách này của Tổng thống Donald Trump lại có khả năng “kích hoạt” xung đột giữa Israel và Palestine, đẩy Kế hoạch Hòa bình Trung Đông do Mỹ khởi xướng lâm vào bế tắc, khiến vai trò của Washington trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế càng bị nghi ngờ.

Tin cùng chuyên mục