Kế hoạch đầu tư công phải sát khả năng ngân sách

Ngày 16-8, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. 
 Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc, trong đó có việc một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ. Còn tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch…

Vì vậy, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết. Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu là nhóm chính sách về quy định chung; nhóm chính sách về quản lý dự án; nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công. 

Sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Luật Đầu tư công là một tiến bộ trong quản lý, nhưng khi thực thi trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều điểm khó áp dụng và việc sửa đổi Luật Đầu tư công hiện hành là cần thiết. Thủ tướng đồng tình với ý kiến đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo và các thành viên Chính phủ là chuyển tên gọi của dự án luật từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn thiện dự án luật trên tinh thần không để vướng mắc nhiều hơn, yêu cầu tập trung mạnh vào vấn đề quản lý vốn ngân sách đầu tư; phân cấp, giao quyền mạnh mẽ. Cần bổ sung các quy định đối với các dự án đầu tư công của nước ta nhưng thực hiện tại nước ngoài.

Đồng thời, làm rõ hơn các khái niệm về đầu tư công; cần có quy định rõ hơn, bảo đảm sự đồng bộ giữa luật này với các luật liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu. Có quy định cụ thể về phân cấp quản lý từng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đồng bộ với nhiệm vụ chi, quy trình lập, xây dựng dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước; những vấn đề chưa chắc chắn thì không đưa vào dự án luật. Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ hơn các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; có các căn cứ, lý lẽ, lập luận chặt chẽ về các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công.

Về vấn đề ủy quyền cho thường trực HĐND, tinh thần là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, gắn liền với sự minh bạch và tự chịu trách nhiệm. Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm, việc lập kế hoạch đầu tư công phải sát với khả năng ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, nợ đầu tư, mất cân đối trong đầu tư,…

Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cấp, loại quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung 4 luật thuộc lĩnh vực GTVT; 7 luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; 3 luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 4 luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; 3 luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; 2 luật thuộc lĩnh vực xây dựng; 2 luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; 2 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng; 2 luật thuộc lĩnh vực y tế; 2 luật thuộc lĩnh vực công thương; 2 luật thuộc lĩnh vực LĐTB-XH; 4 luật thuộc lĩnh vực tài chính; 1 luật thuộc lĩnh vực tư pháp. 

Chỉ đạo về dự án luật sửa đổi này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án luật trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động quy hoạch gắn với quản lý nhà nước chặt chẽ về quy hoạch. Đồng thời nêu rõ tinh thần cần hết sức thận trọng trong xây dựng các quy định về hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; những vấn đề phức tạp trong quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cần xây dựng nghị định để quy định rõ hơn.

Tin cùng chuyên mục