Kẽ hở PCCC ở các cửa hàng sơn

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ cháy cửa hàng sơn, gây thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc quản lý, sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt không đảm bảo an toàn.
Hiện trường vụ cháy ngày 26-4 tại cửa hàng sơn số 693 Lý Thường Kiệt, phường 11, quận Tân Bình
Hiện trường vụ cháy ngày 26-4 tại cửa hàng sơn số 693 Lý Thường Kiệt, phường 11, quận Tân Bình

Gần 18 giờ ngày 26-4, sau khi nhân viên khóa cửa hàng sơn tại số 693 Lý Thường Kiệt, phường 11, quận Tân Bình ra về khoảng 20 phút thì người dân phát hiện cháy trong cửa hàng và gọi báo 114. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhanh chóng có mặt cứu chữa nhưng mất nhiều giờ sau, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy gây thiệt hại phần lớn hàng hóa trong cửa hàng trị giá hàng tỷ đồng, hư hỏng nặng căn nhà 3 tầng với diện tích cháy khoảng 150m2. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định do sự cố điện.

2 tuần sau, khoảng 7 giờ ngày 10-4, một vụ cháy bùng lên từ cửa hàng sơn trên đường Quách Điều, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh thiêu rụi toàn bộ cửa hàng 120m2 và quán cà phê bên cạnh. Nguyên nhân cháy một lần nữa được nhận định do sự cố chạm chập dây dẫn điện.

Cả 2 vụ cháy cùng có điểm chung là xảy ra vào ban ngày, phát hiện cháy kịp thời và báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Tuy nhiên do khu vực cháy chứa nhiều dung môi, keo, sơn… nên đám cháy phát triển nhanh, tỏa khói đen đặc, mùi dung môi nồng nặc, kèm các thùng kim loại phát nổ khiến việc tiếp cận “bà hỏa” gặp rất nhiều khó khăn và phải sử dụng lượng lớn bọt foam mới dập tắt hoàn toàn ngọn lửa. Qua 2 vụ cháy trên một lần nữa thấy được sự nguy hiểm cháy nổ ở cửa hàng sơn.

Các cửa hàng sơn thường nằm xen cài trong khu dân cư đông đúc, nhiều người qua lại. Bên trong cửa hàng trưng bày hàng trăm thùng sơn các loại cùng hàng trăm ký phụ gia, nguyên phụ liệu. Trong đó đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ là các dung môi pha sơn như: Xylene, Hexane, Toluene, Aceton, Etyl Acetate, Metyl Acetate, Alcohol… Các chất này có đặc tính dễ bay hơi, nhiệt độ bắt cháy thấp, tốc độ cháy nhanh, dễ tạo hỗn hợp cháy - nổ… do đó, chúng nguy hiểm không thua kém xăng dầu, khí đốt hóa lỏng. Quá trình san chiết, bơm hút, pha trộn, một lượng dung môi sẽ bay hơi và tích tụ trong các khu vực khuất kín của cửa hàng, khi có tia lửa điện hoặc ngọn lửa trần có thể bắt cháy và phát nổ. Bên cạnh đó, khi sự cố cháy xảy ra, những thùng dung môi có thể biến thành những “quả bom” có sức công phá và sát thương rất nguy hiểm.

Các cửa hàng sơn - dung môi nguy cơ cháy nổ là vậy, tuy nhiên theo quy định của pháp luật về PCCC (Nghị định 79/2014/NĐ-CP trước đây và Nghị định 136/2020/NĐ-CP hiện nay), cơ sở kinh doanh, tồn chứa sơn - dung môi không nằm trong danh mục cơ sở thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC (trong khi đó cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ sản phẩm dầu mỏ, khí đốt có tổng lượng tồn chứa 200kg trở lên thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC - Phụ lục V). Đây là một kẽ hở của pháp luật, gây nhiều tranh cãi trong cơ quan quản lý nhà nước về PCCC và gieo nhiều lo lắng cho người dân sống cạnh các cơ sở này.

Trước khi có những điều chỉnh của pháp luật, để đảm bảo an toàn về PCCC, CNCH, các cơ sở kinh doanh, tồn trữ sơn - dung môi bên cạnh việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, nên trang bị thêm đầu báo cháy và chữa cháy tự động. Bên cạnh đó nên tách biệt khu vực tồn chứa, san chiết dung môi với các khu vực khác và có giải pháp ngăn cách; đồng thời khu tồn chứa, san chiết dung môi đảm bảo thông thoáng khí, có biện pháp thông gió, chống tràn và hạn chế sử dụng đường dây, thiết bị điện.

Tin cùng chuyên mục