Kẽ hở để hàng gian, hàng giả lộng hành

Nhiều người tiêu dùng trong nước đang phải than phiền rằng hiện nay vào chợ tìm mua hàng giả, hàng nhái dễ hơn tìm mua hàng chính hãng. Mua hàng trên mạng cũng gặp tình trạng như vậy. Hàng giả, hàng nhái được công khai mua bán tràn lan.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra các cửa hàng kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách…, đã phát hiện nhiều hàng nhái, hàng giả, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ. Đa số là các sản phẩm Trung Quốc giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Kiểm tra các cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, cũng phát hiện có bán nhiều hàng giả, hàng nhái. Nhiều mỹ phẩm hàng giả, hàng nhái được rao trên mạng là hàng Thái Lan, bán với giá bèo, như nước hoa, son môi, thuốc tẩy trắng…, giá chỉ chừng trăm ngàn đồng, nên chưa thấy sản phẩm cũng dư biết là hàng dỏm, vậy mà vẫn bán đắt hàng. 
 
Người bán không lầm, họ bán hàng gian, hàng giả vì siêu lợi nhuận. Sau khi bị tịch thu hàng hóa và bị phạt hành chính, họ vẫn bán tiếp, vì thị trường thiếu sự quản lý chặt chẽ, và chế tài chưa đủ răn đe. Có một nghịch lý là nhiều người tiêu dùng cũng không lầm, họ biết đó là hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn chấp nhận mua vì giá rẻ, vì thích tỏ ra “sành điệu” mà không phải tốn nhiều tiền; xem thường những hiểm họa đối với sức khỏe của mình và xem thường những hiểm họa đối với nền kinh tế đất nước. 

Hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp… gây tác hại dễ thấy ngay cho người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái cũng gây tác hại lâu dài, khiến sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước bị đình trệ, môi trường đầu tư trong nước bị mất sức thu hút, và khiến môi trường du lịch nước ta bị tai tiếng. 

Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái là hành vi vi phạm pháp luật, vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đưa ra thị trường sản phẩm kém chất lượng, phá hoại sản xuất, gây mất an toàn và tổn hại sức khỏe người tiêu dùng. Vậy mà tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay không dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ, mà đã tràn lan đến mức phổ biến. Nhiều giải pháp lành mạnh thị trường đã được thực thi, như tăng cường kiểm tra đột xuất; vận động tiểu thương ký cam kết không tàng trữ và kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái; xử phạt theo tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh đối với những trường hợp tái phạm nhiều lần; đồng thời xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Thế nhưng các giải pháp đó vẫn chưa đủ, vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. 

Thực tế cho thấy việc xử lý pháp luật đối với hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái còn nhiều khó khăn, do một số văn bản pháp luật vẫn có kẽ hở, không rõ ràng, không thống nhất; việc thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức; việc bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp vẫn chưa thật hữu hiệu. Thậm chí có những trường hợp chính doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm cũng ngại yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý, vì e ảnh hưởng uy tín thương hiệu, khó bán sản phẩm. Rất cần biện pháp đồng bộ để nghiêm túc thực thi pháp luật, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; đồng thời tăng mức chế tài, kiểm soát quản lý hàng bán phải có hóa đơn, chứng từ, chính hãng, chất lượng. 

Một vấn đề cần phải được nghiêm túc mổ xẻ và giải quyết rốt ráo, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan: Vì sao hàng giả, hàng nhái bán tràn lan khắp các cửa hàng và rao bán công khai trên mạng, nhưng các cơ quan chức năng quản lý thị trường “không biết, không thấy”? Có rất ít vụ gian lận thương mại quy mô lớn bị kiểm tra. Những vụ đã kiểm tra thì chưa có câu trả lời thỏa đáng để kết luận, xử lý. Có một thực tế là việc phối hợp giữa các lực lượng chống hàng gian, hàng giả còn đùn đẩy, trông chờ nhau. Lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, năng lực và trình độ chuyên môn chưa đồng đều, có người chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ. Để chấn chỉnh, rất cần công khai quy trình kiểm tra, giám sát và nâng cao và trách nhiệm công vụ.

Ngay chính tiểu thương và người tiêu dùng cũng cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái; có ý thức nói không với hàng giả, hàng nhái - vì lòng tự trọng, vì không tiếp tay cho cái xấu, và vì không để mình thành nạn nhân bởi những tác hại khi sử dụng hàng kém chất lượng. Nên cẩn trọng phân biệt để không mua nhầm hàng giả, hàng nhái - nhất là với các sản phẩm “hàng hiệu” rao bán trên mạng không rõ nguồn gốc, giá rẻ đáng ngờ.

Tin cùng chuyên mục