Iraq bầu Quốc hội mới: E ngại chia rẽ do tác động bên ngoài

Hôm nay 12-5, người dân Iraq chính thức bỏ phiếu bầu Quốc hội mới. Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ khi quốc gia Trung Đông này tuyên bố giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Binh sĩ Iraq đi bỏ phiếu sớm tại thủ đô Baghdad, Iraq
Binh sĩ Iraq đi bỏ phiếu sớm tại thủ đô Baghdad, Iraq

Thắt chặt an ninh 

Các cử tri Iraq hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ mở ra trang mới cho đất nước vốn chịu nhiều bất ổn do xung đột và giao tranh triền miên. Kể từ sau cuộc tấn công do Mỹ phát động năm 2003, các cuộc bầu cử diễn ra tại Iraq đều bị cản trở do tình trạng bạo lực đẫm máu. Trước đó, trong 2 ngày 10 và 11-5, khoảng 1 triệu binh sĩ, cảnh sát và nhân viên an ninh đã đi bỏ phiếu trên khắp các tỉnh, thành ở Iraq. Cử tri Iraq đang sinh sống ở nước ngoài cũng bỏ phiếu sớm trong ngày 10-5. Các điểm bỏ phiếu được lập ở 21 quốc gia để cử tri Iraq ở nước ngoài thực hiện quyền công dân của mình. Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Iraq, có 24,5 triệu cử tri đã đăng ký đi bầu cử. 

Trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, khoảng 7.000 ứng cử viên, trong đó có 2.014 ứng cử viên nữ, sẽ chạy đua vào 329 ghế tại Quốc hội Iraq, tiếp đó xúc tiến thành lập chính phủ mới để lãnh đạo đất nước trong 4 năm tiếp theo. 

An ninh được thắt chặt trong cuộc bầu cử lần này. Hàng loạt biện pháp an ninh được tăng cường do lo ngại các vụ tấn công bạo lực xảy ra nhằm vào địa điểm bỏ phiếu và cử tri. Trong các cuộc bầu cử ở Iraq trước đây, các vụ tấn công khủng bố thường xuyên xảy ra. Iraq sẽ đóng cửa toàn bộ sân bay và cửa khẩu trong 24 giờ vào thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Lực lượng an ninh phong tỏa ở 3 cấp, ngăn chặn các cuộc tấn công vành đai bằng thiết bị nổ, súng máy, súng cối... Trước đó, IS đã lên tiếng đe dọa tấn công các điểm bỏ phiếu bầu cử ở Iraq. 

Yếu tố can thiệp

Theo giới phân tích, nhiều khả năng sẽ không có bên nào giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sắp tới ở Iraq. Chính vì thế, sau khi kết quả được công bố, các bên sẽ phải cạnh tranh, tìm kiếm đối tác xây dựng một liên minh đủ lớn để nắm quyền. 2 “thế lực” mạnh nhất có khả năng giành được chiến thắng là phe của Thủ tướng Haider al-Abadi và cựu lãnh đạo dân quân ủng hộ Iran Hadi al-Amiri. Tờ Washington Times nhận định hành động cứng rắn của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Iran, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân tên gọi Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA) đã khiến Iran tăng tốc trong kế hoạch gây ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc bầu cử quốc hội mới ở Iraq. Iran tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của các đảng phái chính trị người Kurd ở Iraq bằng việc khai thác sự thất vọng của người Kurd đối với việc thiếu sự ủng hộ của Mỹ, đồng thời hứa hẹn với họ về một tương lai tươi sáng hơn nếu ủng hộ lực lượng chính trị do Iran hậu thuẫn. Cuộc bầu cử ở Iraq chính là đòn trả đũa của Iran đối với Mỹ và qua đó, Iran muốn gửi đi thông điệp rằng đây là hậu quả của việc gây áp lực lên Tehran. Ông Renad Mansour, nhà nghiên cứu tại tổ chức Chatham House có trụ sở tại London (Anh), cho rằng nếu Mỹ thất bại trong việc giành lợi thế cuộc bầu cử Iraq, Mỹ cũng sẽ mất phần lớn sự ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.

Iran thậm chí còn có thể sử dụng một “chiêu” khác, đó là thỏa hiệp với ông al-Abadi để xây dựng liên minh với lực lượng chính trị do Iran hậu thuẫn ở Iraq. Theo đó, ông al-Abadi sẽ tiếp tục làm Thủ tướng trong một chính phủ ủng hộ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không mấy thuận lợi do ông al-Abadi cũng đang nhận được sự hậu thuẫn từ phía Mỹ. Nếu tái đắc cử, ông al-Abadi sẽ phải cân nhắc về việc giữ cân bằng giữa các lực lượng Mỹ, Iran và Saudi Arabia. Tờ Aljazzera cho biết sự tranh giành ảnh hưởng của 2 yếu tố Mỹ và Iran và trong cuộc bầu cử khiến người Iraq đang cảm thấy lo ngại về nguy cơ chia rẽ chính trị hậu bầu cử, gây cản trở cho tiến trình hòa hợp dân tộc sau nhiều năm chìm trong xung đột.

Tin cùng chuyên mục