Iran:Từ bầu cử, lo cho thỏa thuận hạt nhân

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 3 tuần nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Iran, Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp Iran đã loại bỏ 3 ứng cử viên nặng ký, trong đó có 2 người được coi là theo xu hướng ôn hòa và cải cách. Giới quan sát nhận định, đây là một “đòn sấm sét” trong đời sống chính trị Iran và tác động lớn đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các ứng viên tổng thống Iran: Eshaq Jahangiri, Ebrahim Raisi và Ali Larijani (từ trái qua phải)
Các ứng viên tổng thống Iran: Eshaq Jahangiri, Ebrahim Raisi và Ali Larijani (từ trái qua phải)

Rộng đường cho phe bảo thủ

Trong số khoảng 600 hồ sơ ứng cử, Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp Iran (do phe bảo thủ kiểm soát) chỉ giữ lại 7 ứng cử viên, trong đó có 5 người theo xu hướng siêu bảo thủ. Theo các nhà phân tích chính trị, nếu như việc ứng cử viên là cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bị loại đã được dự đoán trước, thì ngược lại, việc loại ứng cử viên ôn hòa Ali Larijani, một người thân cận với đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani và chính trị gia cải cách Eshaq Jahangiri gây ngạc nhiên lớn. Ông Ali Larijani đã từng là Chủ tịch Quốc hội Iran trong hơn 10 năm và hiện tại đang là cố vấn của Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei.

Với 2 đối thủ nặng ký là Larijani và Jahangiri bị loại, ứng viên bảo thủ, đương kim Bộ trưởng Tư pháp Iran Ebrahim Raisi, người thân cận với Đại Giáo chủ Khamenei, có cơ hội hết sức thuận lợi để kế nhiệm Tổng thống Rouhani. Cách đây 4 năm, ông Raisi từng bị ông Rouhani đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong lần trở lại tranh cử này, ông Raisi khẳng định sẽ tập trung chống lại các quan chức tham nhũng, bảo vệ quyền lợi của dân nghèo. 

Trước diễn biến mới này, ông Rouhani cho biết, đã viết thư cho Đại Giáo chủ Iran, khiếu nại về quyết định nói trên, yêu cầu lãnh đạo tối cao Iran cho phép một “sự cạnh tranh” lớn hơn trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18-6 tới. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Rouhani nhấn mạnh: “Linh hồn của một cuộc bầu cử là cạnh tranh. Nếu bỏ đi điều đó, ta chỉ còn lại một thây ma”.

Giới quan sát cho rằng, những xào xáo trước bầu cử về danh sách ứng cử viên hứa hẹn một cuộc bầu cử không yên ả ở Iran. Trước mắt, việc các ứng cử viên ôn hòa và cải cách bị loại bỏ có thể ảnh hưởng đến sự tham gia của cử tri. Theo nhiều thăm dò dư luận, tỷ lệ cử tri vắng mặt có thể vượt quá 50%, nguyên nhân phần lớn do cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều cử tri quyết định không đi bầu. Hồi tháng 2-2020, khi tỷ lệ cử tri vắng mặt trong cuộc bầu cử Quốc hội Iran ở mức kỷ lục (57%), trong bối cảnh hàng loạt ứng viên ôn hòa và cải cách bị loại. Tổng thống Rouhani cảnh báo việc cử tri tham gia sụt giảm sẽ có hại cho lợi ích quốc gia. 

Hai trong một

Cuộc bầu cử không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống chính trị trong nước, mà còn ảnh hưởng đến Thỏa thuận hạt nhân Iran. Kết quả cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Iran ảnh hưởng rất lớn đến Thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA) khi mà các cuộc đàm phán tìm cách cứu vãn thỏa thuận này mới vừa khởi sự tại Vienna (Áo). 

Thỏa thuận được ký kết năm 2015 và chính sách hòa hoãn với phương Tây của Tổng thống Rouhani có mục tiêu đưa Iran thoát khỏi cô lập, vực dậy nền kinh tế Iran ít nhiều bị tổn hại bởi các biện pháp trừng phạt. Thỏa thuận hạt nhân Iran đứng trước bờ vực tan vỡ, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Là người chủ trương một đường lối mềm dẻo, ôn hòa, ông Rouhani đã liên tiếp tung ra nhiều tín hiệu hòa hoãn kể từ sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người ủng hộ việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt trong những năm gần đây. 

Tuy nhiên, ông Joe Biden lại muốn siết chặt thêm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân và hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Đối với những người trong phe bảo thủ Iran, thân cận với Đại Giáo chủ Khamenei, các đòi hỏi đó không thể chấp nhận được. Và giờ đây, khi con đường đến chiếc ghế Tổng thống Iran đang rộng mở với ứng viên bảo thủ Raisi, số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran càng mong manh hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục