Indonesia và bài toán cải cách giáo dục

Hệ thống giáo dục không đảm bảo chất lượng đầu ra là nguyên nhân khiến lực lượng lao động trẻ của Indonesia thất nghiệp tràn lan, đây là nhận định trong bài viết “Indonesia và bài toán cải cách giáo dục, đào tạo” đăng trên trang tin ASEAN Post.

Bài viết đã nêu bật thách thức mà Indonesia đối mặt trên con đường tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là trình độ lao động của đội ngũ lao động không tương xứng với những yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển tất yếu của đất nước và điều này đang trở thành lực cản vô cùng lớn đối với sự phát triển của Indonesia. 

Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Indonesia là quốc gia có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khoảng 15%. Nhiều sinh viên Indonesia sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm phù hợp và buộc phải lựa chọn những công việc lao động chân tay, không liên quan đến các chuyên ngành được đào tạo. Trong khi đó, theo nghiên cứu của tổ chức Hướng dẫn kinh doanh toàn cầu (GBG), Indonesia hiện sở hữu gần 4.500 đại học, tuy nhiên các tổ chức giáo dục bậc đại học của Indonesia vẫn xếp ở hạng kém trong bảng đánh giá chất lượng giáo dục toàn cầu. Cụ thể, cuối năm 2017, chỉ có 65 trong số gần 4.500 trường đại học được đánh giá đạt mức đào tạo hạng A. Hầu hết các trường đại học hoạt động yếu kém đều thuộc sở hữu tư nhân. Thực trạng đáng báo động này đã khiến Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học Indonesia công bố kế hoạch đóng cửa hoặc sáp nhập 1.000 cơ sở giáo dục đào tạo tư nhân vào năm 2019.

Theo phân tích, đánh giá của GBG, một vấn đề lớn khác của các trường đại học Indonesia hiện nay là thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ. Thực trạng này sẽ còn nghiêm trọng hơn khi đội ngũ giảng viên tại các trường đại học Indonesia đang đến độ tuổi nghỉ hưu và dự kiến có khoảng 6.000 giảng viên sẽ nghỉ hưu vào năm 2021. Theo nhận định đưa ra trong bài viết, nếu không có chính sách cải cách phù hợp, nhiều khả năng Indonesia sẽ không đủ thời gian để trang bị cho người lao động những kỹ năng, kiến thức cần thiết trong việc duy trì tính cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà với các quốc gia khác trong khu vực. 

Vì vậy, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tận dụng triệt để xu hướng khuyến khích các trường đại học tích cực theo đuổi phương pháp giáo dục điện tử để giúp đất nước xây dựng nền kinh tế tri thức và giải quyết triệt để tình trạng thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên. Xu hướng khởi nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Indonesia và phương pháp giáo dục điện tử cũng được các trường đại học nghiên cứu triển khai kết hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động… 

Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng của các trường đại học địa phương, Chính phủ Indonesia đã khuyến khích các trường đại học có uy tín nước ngoài mở các cơ sở giáo dục tại Indonesia hoặc liên kết, hợp tác với các trường đại học địa phương triển khai chương trình đào tạo với hy vọng mang lại chất lượng tốt hơn. Những nỗ lực cải cách ngành giáo dục của Chính phủ Indonesia đang được đánh giá cao, tạo ra sự lạc quan về triển vọng và những mục tiêu chiến lược đang được nhắm đến, đó là giáo dục bằng phương tiện điện tử sẽ cho phép nhiều người có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo hơn và giảm chi phí đáng kể trong quá trình dạy và học theo phương pháp truyền thống.

Tin cùng chuyên mục