Hy vọng “văn hóa từ chức” sẽ dần hình thành

Lâu nay có nhiều người quan niệm rằng chức vụ của một ai đó là do nhân dân ủy thác và do Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân trong việc bố trí, bổ nhiệm hoặc giới thiệu người ra ứng cử…, điều này dẫn đến việc nhiều cán bộ, đảng viên xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên hay xuống chức là chuyện của tổ chức.

Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ nêu rõ, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào 1 trong 4 trường hợp. Đó là hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Thực tế hiện nay, có không ít trường hợp rơi vào một trong 4 tình huống vừa nêu, nhưng cán bộ, đảng viên có liên quan thường phân trần với lý do rất “thành thật”. Một trong những điểm để bấu víu là: nếu tổ chức xét thấy không được thì cho nghỉ mới nghỉ, chứ bản thân không có quyền từ chức! Chẳng hạn, đầu tháng 8-2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội thì giám đốc sở du lịch và một phó cục trưởng cục thuế của một tỉnh miền Trung đi đánh golf, tiếp xúc gần với nhân viên sân golf mắc Covid-19. Kết quả, 2 vị này phải thực hiện cách ly. Tuy nhiên, việc miễn nhiễm chức vụ phải thực hiện sau gần một tháng (với giám đốc sở) và gần 2 tháng (với phó cục trưởng cục thuế). Kết quả xử lý một vụ việc gây bức xúc trong dư luận kéo dài cũng là vì cán bộ, đảng viên liên quan đã chưa “chủ động xin từ chức”.

Tại một phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV mới đây, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TPHCM) đã đề cập đến một câu chuyện gây bức xúc. Đó là lô hàng 22.000 hộp sữa do kiều bào ở Australia ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TPHCM về nước đã một tháng mà không lấy từ kho ra được. Có thể Cục An toàn thực phẩm đã thực hiện “theo quy trình”. Nhưng trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân, cả hệ thống chính trị đang thực hiện theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thì đây được xem là cách làm cứng nhắc, sợ trách nhiệm.

Những tình huống tương tự sẽ không khó tìm trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, mà lẽ ra khi phát hiện cần phải được mổ xẻ thấu đáo để khắc phục, nhất là về ý thức trách nhiệm cá nhân. Ở các diễn đàn Quốc hội hay HĐND ở các địa phương, tư lệnh ngành xảy ra bê bối hoặc không hoàn thành nhiệm vụ cam kết của mình trước nhân dân đã không tự giác nhìn nhận trách nhiệm, thậm chí thoái thác trách nhiệm rồi trả lời đại ý, trách nhiệm của bản thân sẽ được tổ chức đánh giá, xử lý. Đối với các tình huống ấy, dễ thấy một điều cơ bản là các cán bộ, đảng viên này đã quên một điều rất cơ bản, rằng ở cương vị của mình, họ còn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với nhân dân, với cử tri.

Quy định 41-QĐ/TW nêu rất cụ thể về những trường hợp sẽ miễn nhiệm, cho từ chức, giúp chúng ta có quyền hy vọng sẽ giải quyết tốt những bất cập lâu nay. Thật ra, chuyện từ chức ở các nước được xem là bình thường, nhưng ở nước ta thì còn khá mới mẻ.

Quy trình miễn nhiệm, cho từ chức với thời gian ngắn theo Quy định 41-QĐ/TW cũng sẽ tạo ra cú hích tác động mạnh mẽ đến những cán bộ, công chức của các cơ quan công quyền đang có sức ì lớn. Việc từ chức khi tự thấy mình không có đủ năng lực đảm nhiệm vị trí công tác là một sự trung thực, dũng cảm rất đáng để cán bộ, công chức có lòng tự trọng suy nghĩ. Trước quy định mới này của Bộ Chính trị vừa có hiệu lực, chúng ta cũng kỳ vọng rằng, “văn hóa từ chức” sẽ dần hình thành và sẽ là điều bình thường, cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

Tin cùng chuyên mục