Hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch - Bài 1: Tận tụy, quên mình

LTS: Trận chiến chống dịch Covid-19 thật khốc liệt. Cuộc chiến không tiếng súng này đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,6 triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, hơn 15.000 đồng bào đã mất trong gần 2 năm dịch xuất hiện. Không thể kể hết những khốn khó mà cả nước phải đối mặt để hạn chế tối đa hậu quả của Covid-19. 

Tại TPHCM, hơn 170.000 người đủ các lứa tuổi, thành phần đang ngày đêm có mặt trên tuyến đầu. Gác lại hạnh phúc riêng tư, họ bước vào vùng nguy hiểm. Trong cuộc dấn thân ấy, đã có người ngã xuống nhưng tinh thần cao đẹp mãi sống trong lòng nhân dân. Họ đã sống và tận hiến vì sinh mạng của người dân, vì bình yên của thành phố, liệu rằng đề xuất truy tặng liệt sĩ những người đã hy sinh nơi tuyến đầu có thể được ghi nhận?


“Tháng 11 năm nay, anh Nhẫn tròn 60 tuổi và sẽ về hưu. Nhưng không kịp nữa rồi. Anh sống trọn vẹn với mọi người, mất đi cũng trọn vẹn với nghề”, bà Thân Ngọc Hương kể về chồng - bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - người đã qua đời vì Covid-19 khi tham gia phòng chống dịch. Biết bao người đang xông pha ở tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tử vong, vì cuộc sống ‘bình thường mới” cho hơn 10 triệu người dân thành phố.  

Sống trọn vẹn với nghề

“Lần cuối cùng, tôi nói chuyện điện thoại với anh Nhẫn là ngày 29-7. Khi đó anh đã chuyển nặng và điều trị tại Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19. Tôi mất liên lạc đến ngày 4-8 thì nhận tin anh qua đời”, nén buồn đau, bà Hương kể về chồng với ánh mắt tự hào. 

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, cũng là bác sĩ duy nhất của cơ sở. Trong dịch Covid-19, ông cùng 4 nhân viên đảm nhận truy vết F0, F1, lấy mẫu, xét nghiệm. Thời điểm căng thẳng nhất tại xã Phước Lộc, mỗi lần lấy mẫu lại phát hiện hàng chục F0.

Để bảo vệ gia đình, ông ở lại trạm y tế, không về nhà. Vì lo lắng chồng có bệnh nền, tuổi cao, bà Hương động viên ông nghỉ hưu sớm vài tháng. Tuy vậy, ông thuyết phục vợ an lòng để tiếp tục đi vào tâm dịch. Thuộc đối tượng ưu tiên đợt 1 được tiêm vaccine Covid-19, nhưng vì huyết áp cao, nên ông bị trì hoãn. Không có “áo giáp” bảo vệ, ông vẫn quyết bám trụ cùng anh em Trạm Y tế xã Phước Lộc, nơi ông gắn bó suốt 38 năm qua.

Đến tháng 7, ông và gia đình đều mắc Covid-19. Ngay cả khi đang điều trị, ông vẫn tư vấn qua điện thoại cho nhiều bệnh nhân Covid-19 khác. Ông hôn mê và được chuyển lên tuyến cao nhất, tại BV Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức). Ông qua đời khi chỉ 3 tháng nữa sẽ đến ngày nghỉ hưu. “Anh ấy sống vì cái chung, có khi quên luôn mình cũng có bệnh. Gia đình đau lắm, nhưng tự hào về anh”, bà Hương trải lòng. 

Hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch - Bài 1: Tận tụy, quên mình ảnh 1 Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (người cầm loa) tích cực tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân, bất chấp mọi hiểm nguy

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) cho biết, từ khi Phước Lộc còn là vùng sông nước khó khăn, bác sĩ Nhẫn đã chèo ghe đi khám bệnh, cấp cứu cho bà con. Dịch Covid-19 bùng phát, ông lại là người trực tiếp đưa các ca bệnh đi cách ly tập trung. “Bà con xã nhà tiếc thương bác Nhẫn”, ông Trung ngậm ngùi.   

Đi bất cứ đâu khi được điều động

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Ban Bảo vệ dân phố phường 22, quận Bình Thạnh, tổ cơ động của phường có 3 người mắc Covid-19: ông Huỳnh Nguyễn Bá Huấn, ông Lê Thanh Hùng và ông Đinh Chánh Định. To khỏe nhất đội, nhưng ông Đinh Chánh Định lại bị nặng nhất và qua đời ngày 10-8. Sau đó ít ngày, cha ruột ông cũng mất vì Covid-19. 

Cùng lúc mất đi 2 người thân thật quá sức với người mẹ già và con trai thơ dại của ông Định. Cậu bé đã 22 tuổi nhưng mang trí óc non nớt của trẻ lên 5 lên 6, vẫn ngơ ngác hỏi “ba đâu”. Cũng theo ông Minh, tổ phản ứng nhanh của phường 22 có 7 thành viên, ông Định là một trong những người nhiệt tình, khỏe mạnh nhất.

“Anh em chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện né tránh hay từ bỏ. Mất mát đau thương lắm, nhưng lực lượng nào cũng có tổn thất, không riêng mình. Mình sợ hãi thì còn ai làm nhiệm vụ”, ông Minh quyết tâm. 

Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, với lực lượng tuyến đầu, Quận ủy, UBND quận Bình Thạnh luôn quan tâm và động viên thường xuyên. Bà nhấn mạnh, các cô chú, anh chị ở khu phố, tổ dân phố luôn xông xáo, chia sẻ trách nhiệm với địa phương, không nề hà vất vả. Bất kể giờ giấc, nắng mưa, được điều động là họ lên đường.

Ông Định không phải bảo vệ dân phố duy nhất mắc Covid-19 khi làm nhiệm vụ và tử vong. Tại quận 4, ông Trịnh Huỳnh - một bảo vệ dân phố 69 tuổi đã qua đời sau hơn 10 ngày nguy kịch. Tại quận Bình Tân, chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt - tuổi đời dừng lại khi mới chỉ 23…  

Anh hùng trong lòng dân 

Ngày 4-9, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định truy tặng bằng khen cho 18 cá nhân ở TPHCM có nhiều thành tích đóng góp trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Họ là những cán bộ cơ sở, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu phố, dân phòng, tình nguyện viên… Không có sự tận hiến của những cá nhân ấy, hệ lụy từ Covid-19 có thể còn khắc nghiệt hơn hiện tại.  

Ngày 5-9, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng ba cho 2 nhân viên y tế tại TPHCM đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19: bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên Trưởng trạm Y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, Khoa Hồi sức tích cực, BV Nhân dân Gia Định. Quyết định truy tặng của Chủ tịch nước, sự tri ân của cộng đồng, phần nào xoa dịu nỗi mất mát với gia đình.  

Hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch - Bài 1: Tận tụy, quên mình ảnh 2 Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM hiện huy động tổng lực tham gia phòng chống dịch hơn 170.000 người. Trong đó, lực lượng y tế tuyến đầu làm công việc trực tiếp khoảng 13.200 người, tuyến đầu làm công việc gián tiếp khoảng 33.000 người, tổ Covid-19 cộng đồng khoảng 68.400 người, tình nguyện viên khoảng 8.300 người và khoảng 6.700 nhân lực y tế do Bộ Y tế chi viện. Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về lực lượng tuyến đầu mắc Covid-19 cũng như tử vong trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. 

Trong trận chiến khốc liệt này, những mất mát về của cải có thể từng bước phục hồi và gầy dựng lại. Những người ngã xuống ở tuyến đầu, dẫu chưa được truy phong, họ đã trở thành anh hùng trong lòng nhân dân! 

Trong 18 cá nhân được truy tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, có anh Vũ Quốc Cường (phường Bến Nghé, quận 1) - chủ quán cơm chay thiện nguyện “Cường Béo” dành cho người nghèo. Dịch Covid-19 bùng phát, anh Cường và bạn bè tổ chức nấu cơm thiện nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Ngày 16-8, anh Vũ Quốc Cường phát hiện mắc Covid-19 và ngày 22-8 thì qua đời. Trước những đóng góp và cống hiến của anh với cộng đồng, ngày 28-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chia buồn, động viên đến gia đình, vợ và các con của anh.


* Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM:

Từ đáy lòng mình, tri ân những điều cao cả

Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, chúng ta phải tri ân và tôn vinh những con người đẹp như thế. Lực lượng y tế đã hy sinh vô bờ bến, chấp nhận chia tay gia đình, cha mẹ, có người mới kết hôn, con nhỏ vừa chào đời… cũng quyết lên đường. Đó là những người cắt đi mái tóc của mình để vào tâm dịch, làm việc đến 300% sức lực của mình với khát khao cứu sống bệnh nhân Covid-19, mang lại nụ cười cho mỗi gia đình. TPHCM và Bộ Y tế luôn chăm lo hết mình để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế an tâm công tác. Từ đáy lòng mình, chúng tôi tri ân những điều cao cả ấy.

* PGS. TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam:

Hơn 3.000 nhân viên y tế mắc Covid-19 khi làm nhiệm vụ

Đến thời điểm này, đã có hơn 3.000 nhân viên y tế mắc Covid-19 khi làm nhiệm vụ. Trong cuộc chiến khốc liệt này, ngành y tế đã mất đi 5 cán bộ, nhân viên, trong đó, 3 trường hợp tử vong vì Covid-19 tại TPHCM và Bình Dương. Họ là bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh. Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có chế độ chính sách để cán bộ y tế tử vong vì Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch được phong danh hiệu Liệt sĩ.

Tin cùng chuyên mục