Huyền thoại làng K130

Làng K130 (tên cũ là làng Hạ Lội) thuộc xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh về hướng Bắc khoảng 20km.
Huyền thoại làng K130

Làng K130 (tên cũ là làng Hạ Lội) thuộc xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh về hướng Bắc khoảng 20km.

Khoảng năm 1966 - 1968, trên tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt đoạn từ huyện Thạch Hà ra thị xã Hồng Lĩnh, máy bay Mỹ cày xới suốt ngày lẫn đêm làm tắc nghẽn hệ thống bến phà Thượng Gia, cầu Cổ Ngựa, cầu Già, cầu Nghèn… Toàn bộ phương tiện cơ giới lưu thông qua đây buộc phải vòng tránh đi theo đường 8A, 15A. Nhưng từ ngày 10 đến 13-8-1968, cả hai con đường này cũng bị cắt đứt.

Đúng vào thời điểm ác liệt này, có một đoàn xe 130 chiếc chở hàng đặc biệt vào chi viện khẩn cấp cho chiến trường miền Nam cần được đi ngay. Chỉ thị của Bộ Chính trị được truyền trực tiếp xuống Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh phải mở một con đường Xế mới (đường tránh) xuyên qua tim làng Hạ Lội. Ngay sau khi chỉ thị được ban xuống, 100% người dân làng Hạ Lội ủng hộ, với khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “xe chưa qua nhà không tiếc”. Chỉ trong vòng chưa đầy 8 giờ ngày 13-8-1968, 130 căn nhà của người dân tình nguyện được hạ xuống. Gỗ, tre, gạch, phên nứa, ngói, cánh cửa, kèo, cột, bàn ghế... biến thành nền đường.

Được sự giúp đỡ của bộ đội, TNXP và hàng ngàn người dân đoạn đường Xế chiến lược rộng từ 4 - 5m, dài 3km, trong đó có 1km qua tim làng Hạ Lội đã hoàn thành. Nửa đêm hôm đó, chiếc xe đầu tiên lăn bánh từ đường 1A rẽ vào con đường mới trong làng Hạ Lội đến bến phà dã chiến cuối làng trên bờ Bắc sông Già. Từ đây đoàn xe được chở bằng phà xuôi xuống bờ Nam sông Già qua cầu Sông (xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà) tiếp tục nhập vào quốc lộ 1A. Hàng ngàn người dân tay cầm đèn chai được ngụy trang làm cọc tiêu cho đoàn xe đi qua.

Rạng sáng 14-8-1968, 130 chiếc xe chở hàng đặc biệt đã vượt qua làng Hạ Lội an toàn. Kể từ hôm đó, từng đoàn xe đi qua đường Xế vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến không còn bị ùn tắc, sa lầy như trước nữa. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hàng ngày cứ sáng ra một bộ phận dân quân ngụy trang lại đường, tối đến lại cất giấu ngụy trang. Cứ như vậy, đường Xế được giữ bí mật cho đến ngày ngừng bắn.

Đến hôm nay, sau hơn 43 năm, con đường Xế xuyên qua tim làng Hạ Lội chỉ còn lại trong ký ức. 130 căn nhà dỡ ra để lấy mặt bằng và vật liệu “lót đường” chống lầy cho xe qua, giờ đã được dựng lại trên nền đất cũ. Để ghi nhớ sự kiện ngày 13-8-1968, làng Hạ Lội đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đặt tên là làng K130 và chiến dịch vận chuyển nhà cửa là chiến dịch K130. Ngày 29-5-2006, làng K130 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và được Nhà nước đầu tư kinh phí tu bổ một số hạng mục. Mới đây nhất, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để lập dự án quy hoạch, khôi phục, khoanh vùng bảo vệ di tích làng K130.

Dẫn chúng tôi về thăm làng K130, ông Phan Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết hiện làng đã chia thành 2 xóm là Tân Tiến và Minh Tiến, với tổng diện tích 60,77ha, gần 204 hộ dân, 849 nhân khẩu. Làng K130 bị chiến tranh tàn phá nay đã được thay bằng bức tranh mới hoàn toàn. Những hố bom ứa máu ngày trước, giờ đã được người dân cải tạo trở thành hồ thả cá. Những ngôi nhà mái ngói đỏ mới, kiên cố, khang trang đã thay thế những ngôi nhà phải tháo dỡ năm xưa. Con đường từ đầu làng đến cuối làng đã được bê tông hóa thẳng tít tắp, đẹp đẽ...

Bến phà dã chiến cuối làng K130 bên sông Già góp phần chuyển tải an toàn cho phương tiện vận chuyển, thực phẩm, vũ khí của quân ta vào chiến trường miền Nam vào năm 1968

Bến phà dã chiến cuối làng K130 bên sông Già góp phần chuyển tải an toàn cho phương tiện vận chuyển, thực phẩm, vũ khí của quân ta vào chiến trường miền Nam vào năm 1968

Sau ngày đất nước thống nhất, ngay tại chân bến phà dã chiến vận chuyển xe, hàng qua sông Già năm xưa, người dân làng K130 đã xây dựng lên một ngôi miếu đặt tên gọi miếu Mướp. Ngoài các ngày lễ lớn, hàng năm cứ đúng ngày 13-8, đông đảo người dân lại ra đây làm lễ dâng hương.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục