Hụt hẫng “người truyền cảm hứng”

“Cứ bảo tụi nhỏ giờ nhiều thông tin bởi internet và mạng xã hội phát triển, nhưng tôi lại thấy thông tin cho người trẻ giờ sao đơn điệu và chưa khai thác được hiệu quả”, đó không chỉ là băn khoăn của chị Trần Kim Yến (ngụ quận 2), một phụ huynh có con ở tuổi 15, mà còn là trăn trở của hàng triệu phụ huynh khác.
Lê Minh Châu là nguồn cảm hứng cho một số người trẻ nước ngoài nhưng chẳng mấy bạn trẻ trong nước biết đến anh
Lê Minh Châu là nguồn cảm hứng cho một số người trẻ nước ngoài nhưng chẳng mấy bạn trẻ trong nước biết đến anh
Lan tỏa ngược
Mải mê chạy theo những thông tin giải trí, nhiều người trẻ khi vào đời, lăn lộn với cuộc sống và nhìn lại, họ giật mình: Cứ hô hào người trẻ sáng tạo, chủ động, ý chí và cầu thị nhưng có vẻ như hiện các kênh truyền thông đang “nhồi” thần tượng, ngôi sao cho giới trẻ mà thiếu những “ngọn lửa” truyền cảm hứng.
Một thời gian dài, giới trẻ Việt nhắc nhiều đến cụm từ “truyền cảm hứng”, ấy là khi một số đối tượng cũng trẻ nhưng có khiếu ăn nói, khoác lên mình bộ vest lịch sự, rồi tự cho mình là người truyền cảm hứng làm giàu. Giới trẻ ào ào kéo nhau đi tiếp thu cảm hứng để mong ngày được giàu như người truyền đạt. Thế nhưng khi bức rèm bí mật đằng sau những sự kiện “làm giàu không khó” bị lật tẩy, cụm từ “truyền cảm hứng” cũng vãn dần.
Để bắt kịp xu hướng, nhiều đơn vị còn mạnh tay chi tiền mời những nhân vật nổi tiếng thế giới như Jack Ma, Nick Vujicic… về Việt Nam để truyền cảm hứng. Không biết người trẻ tiếp nhận được bao nhiêu thông điệp qua vài giờ diễn giả chuyện trò trên sân khấu, nhưng có vẻ không ít bạn tỏ ra hồ hởi cũng chỉ để hợp thời. 
“Giới trẻ Việt đâu thiếu người hay ho, dư sức truyền cảm hứng cho các bạn cùng trang lứa, nhưng lại ít được nhắc đến. Do truyền thông không ưu ái hay do không hợp nhãn người trẻ?”, Đinh Thị Thanh Thúy (sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM) trăn trở.
Với Thanh Thúy, Lê Minh Châu (nhân vật trong bộ phim Chau beyond the lines - Châu trong mắt tôi), một chàng trai sinh năm 1991, bị khuyết tật bởi nhiễm chất độc da cam, lớn lên trong Làng trẻ Hòa Bình (thuộc Bệnh viện Từ Dũ) nỗ lực vươn lên, vẽ bằng miệng, trở thành một họa sĩ trẻ tài năng, mới thật sự là người truyền cảm hứng. Một Châu tự lập, luôn lạc quan, yêu đời, yêu người và chăm chỉ làm việc đã là cảm hứng cho nhiều người trẻ ở nước ngoài, đến độ họ quyết định làm một bộ phim về cậu. Thế nhưng ở ngay tại Việt Nam, người ta chỉ biết đến Châu khi bộ phim được đề cử giải Oscar. Cũng chỉ vài bài báo viết về Châu rồi... im bặt. Mặc dù hiện nay, Châu không chỉ vẽ mà còn dạy vẽ, không chỉ sống cho mình mà còn giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh như mình bằng số tiền mà cậu bán tranh, bằng những chuyến đi giao lưu để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay vì người khuyết tật.
Đó là những Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992 tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với đôi chân không thể đi lại được, tay bất lực, miệng nói không rõ lời bởi chứng bại não, nhưng đã xuất sắc nhận 2 bằng đại học về công nghệ thông tin và toán học của Đại học Georgia Gwinnett, Mỹ. Là hàng chục bạn trẻ khởi nghiệp từ bàn tay trắng, vượt qua hết thất bại này đến thất bại khác để trở thành những startup trẻ, giỏi, năng động.
Thế nhưng có lẽ, thị hiếu của giới trẻ cũng như vấn đề thương mại ở các trang dành cho người trẻ đã vô tình đẩy những nhân vật hay ho ấy sang bên lề, để những thông tin giải trí đậm tính tò mò chiếm sóng.
Những tấm gương “đến hẹn lại lên”
Vào mạng lướt Facebook, lướt các trang web, trang báo… mỗi ngày là hàng trăm thông tin mới, thậm chí vài phút đã có hàng loạt thông tin được đăng tải. Ấy thế nhưng, thử nhìn qua các trang dành cho giới trẻ sẽ thấy, chủ yếu là những thông tin giải trí một màu về đời sống riêng tư, về nhan sắc hoặc đơn giản chỉ là gu ăn mặc của người nổi tiếng được đặt những cái tít lấp lửng gây tò mò hoặc giật gân. Là những trào lưu có vẻ như tưng tửng một chút, thiếu nghiêm túc một chút để đánh vào tâm lý hiếu kỳ, thích thể hiện của giới trẻ. Trang này đăng, trang khác dẫn lại, rồi đưa lên cả mạng xã hội. Chính sự lan tỏa ấy khiến thông tin giới trẻ nắm bắt cứ quẩn quanh bấy nhiêu.
Hiện nay, tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, không thiếu những cuộc bình chọn, đánh giá các cá nhân ưu tú, tiêu biểu, xuất sắc, cả trong các cơ quan nhà nước, trường học và ngoài xã hội. Tiêu chí của các cuộc bình chọn, ngoài việc tuyên dương, động viên các cá nhân, cũng không nằm ngoài mục đích sẽ là tấm gương để cho giới trẻ noi theo. Tất nhiên, cũng có một vài cá nhân nổi trội về mặt nào đó, nhưng nếu chắt lọc ra thì liệu có được bao nhiêu nhân tố là nguồn cảm hứng cho giới trẻ?
Trần Phương Bình (21 tuổi, ngụ quận 12) chia sẻ: “Hàng năm tôi vẫn thấy trên truyền hình, báo đài đưa tin vinh danh những công dân trẻ tiêu biểu ở các tỉnh, thành phố. Sau vài trăm chữ, vài tấm hình và thước phim mô tả về bản thân và việc làm của các bạn trước, trong, hoặc sau ngày vinh danh một cách ở chính thời điểm ấy, thì sau đó hoàn toàn biến mất trên các kênh truyền thông cũng trong đầu chúng tôi. Sau nhiều năm theo dõi, tôi luôn vẫn tự hỏi rằng, tôi học được gì từ họ?”. 
Thắc mắc của Phương Bình không mới, đó cũng là băn khoăn của nhiều bạn trẻ khác khi họ chưa thấy được sự cống hiến của những người trẻ được tuyên dương ấy đối với cộng đồng; chưa thấy thông điệp có sức lan tỏa toát ra từ các nhân tố ấy. Có không ít những tấm gương đến hẹn lại lên, theo kiểu cơ cấu mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều phải có, hoặc theo kiểu chỉ tiêu mà cấp trên đưa xuống các đơn vị. Điều này vô hình trung khiến các tấm gương được “đẻ non”, “chín ép” sao cho vừa khuôn. Cũng bởi vậy mà việc làm của họ chỉ ở mức đạt hoặc hơi tốt, có giá trị cho bản thân hoặc co cụm trong một đơn vị, nên thiếu tính lan tỏa đến cộng đồng. 
Không phải chúng ta thiếu những người truyền cảm hứng, mà cách chúng ta tìm thấy, vinh danh và lan tỏa họ, mới thật khó làm sao… 

Tin cùng chuyên mục