Hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ: Sân chơi chưa bình đẳng

Với việc ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã mở ra mạng lưới thị trường FTA vô cùng rộng lớn. Ước tính sơ bộ, Việt Nam đã có giao thương với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có 50 quốc gia, vùng lãnh thổ chủ lực về xuất khẩu. Tại những thị trường khó tính, Việt Nam đã vươn lên tốp đầu những quốc gia có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu cao. Vậy vì đâu doanh nghiệp (DN) nội vẫn mãi “nhỏ”?
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty May 10. Ảnh: QUANG PHÚC
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty May 10. Ảnh: QUANG PHÚC

Bất hợp lý chính sách ưu đãi

Có nhiều nguyên nhân khiến DN nội mãi “nhỏ”, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là việc áp dụng chính sách ưu đãi không công bằng giữa DN nội và ngoại. Trên thực tế, trong nhiều lĩnh vực, để có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều địa phương đang áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt, như giảm 5% thuế suất (tối đa không quá 37,5 năm); miễn thuế (6 năm) hoặc giảm 50% thuế suất (13 năm). Riêng với thuê đất, thuê mặt nước, thời gian miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước không quá 22,5 năm với mức giảm không quá 75% tiền thuê đất. Không chỉ vậy, các DN ngoại còn được hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư…

Trong khi đó, với DN nội, rất khó để có thể nhận được những ưu đãi trên. Cụ thể, trong ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho  biết, chỉ riêng về thuế, nếu DN ngoại đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu công nghệ, dây chuyền sản xuất; lãi suất vay trung hạn dành cho sản xuất cũng ở mức 2%-3%; được hưởng ưu đãi chi phí thuê đất, thậm chí là được hỗ trợ diện tích đất đầu tư; được giảm chi phí tiền điện; giảm thuế thu nhập DN trong một số năm đầu (tùy lĩnh vực)… Còn với DN nội, nếu nhập khẩu công nghệ, dây chuyền đầu tư cho sản xuất thì phải đóng thuế lên đến 10%; phải tự tìm kiếm đất xây dựng nhà xưởng; việc vay vốn sản xuất cũng trầy trật chứ đừng nói đến được ưu đãi.

Đa phần DN nội có quy mô vừa và nhỏ nên rất khó “đua” với các DN ngoại có quy mô lớn, thậm chí “khổng lồ”. Đã vậy, DN nội chưa được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ do thủ tục nhiêu khê. Bà Cao Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty PNJ, cho biết, chương trình “giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%...” của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 2-2022 đến hết ngày 31-12-2022, nhưng do danh mục các nhóm hàng hóa được giảm thuế không đồng bộ, không rõ ràng nên nhiều DN rơi vào tình trạng không được áp dụng.

Ngoài ra, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, hiện DN rất cần vốn để mở rộng nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất… nhưng hầu hết ngân hàng đã đụng trần tín dụng, không thể cho DN vay. Điều này cũng khiến DN mất cơ hội tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới đang được Chính phủ áp dụng.

Với nhiều DN nhập khẩu, khó khăn nhất là phải đối mặt với quy định kiểm tra chuyên ngành. Đơn cử, gần đây nhất, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản đã nhiều lần gửi công văn lên Chính phủ phản ảnh, quy định ngưỡng tối đa chỉ tiêu Phospho trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý quá nghiêm ngặt so với đặc thù ngành, và việc áp dụng Quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp cho các ao nuôi thủy sản thâm canh không phù hợp với đặc thù của ngành đã và đang làm cho DN trong nước giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trước đó, hàng loạt ý kiến của các DN cho biết, tình trạng lạm quyền trong hoạt động thanh kiểm tra, cấp chứng chỉ chuyên ngành… đã gây khó khăn cho DN.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam: "Xu hướng mất cân bằng ngày càng tăng
Không phải đến bây giờ các DN Việt Nam mới quan ngại cũng như cảnh báo về sự chênh lệch tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu giữa DN ngoại và DN nội, mà vấn đề này đã được đề cập từ 10 năm trước. Tại thời điểm đó, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu giữa hai khối DN ngoại và nội đã bắt đầu có dấu hiệu mất cân bằng, theo xu hướng tăng ở khối ngoại và giảm ở khối nội".

Ít cơ hội tận dụng lợi thế FTA

Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 296,34 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối ngoại chiếm khoảng 74%, còn lại là khối nội. Lý giải thực tế này, nhiều DN cho rằng, DN nội yếu về vốn, công nghệ nên rất khó để chuyển đổi chất lượng sản phẩm đáp ứng các rào cản kỹ thuật mà thị trường xuất khẩu đề ra. 

Hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ: Sân chơi chưa bình đẳng ảnh 1 Dây chuyền sản xuất tôn màu của doanh nghiệp Tôn Đông Á. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT) chia sẻ, trung bình mỗi năm, văn phòng tiếp nhận ít nhất hơn 100 quy định về những tiêu chuẩn mới hoặc điều chỉnh quy định cũ về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Gần đây nhất, Ủy ban châu Âu đã ra thông báo thay đổi dư lượng tối đa cho phép (MRLs) là 0,05ppm hoạt chất Metalaxyl trên hạt tiêu. Việc thay đổi này khiến phần lớn tiêu của Việt Nam sẽ khó vào được thị trường Liên minh châu Âu (EU) nếu không điều chỉnh tỷ lệ dư lượng của hoạt chất này. Đáng nói, để làm được như vậy, đòi hỏi phải điều chỉnh từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến chế biến theo công nghệ mới. Với nội lực yếu, quy mô sản xuất nhỏ như hiện nay của DN nội thì rất khó để xoay trở nhanh được.

Ở khía cạnh khác, những lợi thế từ thuế xuất khẩu do FTA mang lại cũng đang được các DN ngoại tận dụng tối đa. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, điển hình như Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8. Theo đó, EU áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho nhóm hàng nông thủy hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sản lượng xuất khẩu bao nhiêu cũng được ưu đãi mà mỗi nhóm mặt hàng sẽ có hạn ngạch nhất định được hưởng thuế suất ưu đãi. Đơn cử, với mặt hàng gạo, EU chỉ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng thuế suất ưu đãi; số lượng còn lại vẫn phải chịu thuế suất như quy định. Vì vậy, với quy mô và tiềm lực lớn, lợi thế này đang được DN ngoại tận dụng tối đa; còn DN nội do vốn mỏng, nội lực yếu nên chậm chân và chỉ có thể chiếm thị phần khiêm tốn.

Bên cạnh đó, với quy mô thị trường tiềm năng đã đạt mức hơn 100 triệu dân, thị phần trong nước cũng đang được các DN ngoại “đi tắt đón đầu” bằng cách thâu tóm DN nội, giữ nguyên thương hiệu Việt đã có thị phần và thương hiệu trên thị trường. Dựa vào nội lực mạnh, các DN ngoại cũng đã không ngừng triển khai chương trình xúc tiến giao thương, khuyến mãi để tăng khả năng mở rộng thị phần.

Nhiều doanh nghiệp nội bị “thâu tóm”


Tiền thân là Nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh, tháng 4-2018, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh chính thức bị Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) thâu tóm khi SCG tuyên bố đã hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty này lên 50,9%. Sau khi được gả bán, doanh thu thuần của công ty đã không ngừng tăng, mở rộng quy mô sản xuất và đã đạt 5.200 tỷ đồng (năm 2021). Riêng 6 tháng đầu năm 2022, công ty này đã vượt kỷ lục so với cùng kỳ năm trước khi nâng tổng doanh thu thuần đạt gần 3.000 tỷ đồng. Trước đó, một số DN Việt khác đã bị các tập đoàn ngoại mua lại như Công ty Bao bì nhựa Tín Thành, Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong…


Tình trạng trên cũng diễn ta khá phổ biến tại lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm. Chẳng hạn thương vụ Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã mua quá bán cổ phần và chính thức điều hành Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Công ty này sau đó cũng được đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, đồng thời bổ sung thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới. Gần đây nhất, vào tháng 3-2022, Công ty cổ phần Thực phẩm Ba Huân (TPHCM) quyết định bán lại 25% cổ phần cho một đối tác và chính thức giới thiệu nhân sự mới trong ban điều hành. Hay như các thương hiệu Kinh Đô bán lại cho Mondelez International, Phở 24 bán lại cho Việt Thái International (VTI). Còn trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, hệ thống siêu thị Nguyễn Kim cũng đã bán lại cho Central Group (Thái Lan)…

Tin cùng chuyên mục