Hướng tới phát triển bền vững cho tất cả

Nhân Ngày Dân số thế giới 11-7, Liên hiệp quốc (LHQ) đã công bố báo cáo Triển vọng dân số mới nhất, trong đó dự báo dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người vào tháng 11-2022. LHQ kêu gọi chính phủ các nước đẩy mạnh xây dựng chính sách phát triển con người.
Tốc độ tăng dân số thế giới (minh họa của LHQ)
Tốc độ tăng dân số thế giới (minh họa của LHQ)

8 tỷ người là 8 tỷ cơ hội

Báo cáo Triển vọng Dân số thế giới 2022 của LHQ cho biết, để hướng tới một tương lai bền vững cho mọi người thì cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả. Trong một thế giới lý tưởng, 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn được củng cố bởi các quyền và lựa chọn. Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết: “Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, công nhận nhân loại chung và vui mừng trước những tiến bộ y tế đã kéo dài tuổi thọ cũng như giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Đây cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của chúng ta trong việc quan tâm đến hành tinh và thực hiện các cam kết”.

Các dự báo mới nhất của LHQ cho thấy dân số thế giới có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9,7 tỷ người vào năm 2050. Theo dự báo, đạt mức cao nhất là khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. Triển vọng Dân số thế giới 2022 cũng cho biết mức sinh đã giảm rõ rệt trong những thập niên gần đây ở nhiều quốc gia. Ngày nay, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một nước hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 lần sinh/phụ nữ, gần bằng mức cần thiết để tăng trưởng bằng 0 trong thời gian dài. Dân số của 61 nước hoặc khu vực được dự báo giảm từ 1% trở lên trong giai đoạn 2022-2050, do mức sinh thấp được duy trì và trong một số trường hợp, tỷ lệ di cư tăng cao. Hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến đến năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Các nước châu Phi cận Sahara dự kiến đóng góp hơn một nửa mức tăng dự kiến cho đến năm 2050.

Phát triển nhân lực

Ông Liu Zhenmin, Tổng Thư ký Các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ, cho biết, mối quan hệ giữa gia tăng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều. Dân số tăng nhanh làm cho việc xóa đói giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng cũng như tăng độ bao phủ của hệ thống y tế và giáo dục trở nên khó khăn hơn. Ngược lại, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là các mục tiêu liên quan đến y tế, giáo dục và bình đẳng giới, sẽ góp phần giảm mức sinh và làm chậm tốc độ tăng dân số toàn cầu.

Ở hầu hết các quốc gia thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, cũng như ở châu Á, Mỹ Latinh và Caribe, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (25-64 tuổi) đang tăng lên. Sự thay đổi phân bố theo độ tuổi này mang lại cơ hội tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trên đầu người, được gọi là “cổ tức nhân khẩu học”. Để tối đa hóa lợi ích tiềm năng của việc phân bổ theo độ tuổi, các quốc gia nên đầu tư vào việc phát triển hơn nữa nguồn nhân lực, bằng cách đảm bảo tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục có chất lượng ở mọi lứa tuổi; thúc đẩy các cơ hội có việc làm hiệu quả và việc làm tử tế. Các quốc gia có tỷ lệ lão hóa cao cần điều chỉnh các chương trình công, gồm thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và chăm sóc dài hạn, cải thiện tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội và lương hưu…

Tin cùng chuyên mục