Hướng tới mục tiêu thành phố không carbon

Trong khuôn khổ Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch đô thị bền vững, thiết kế công trình theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển mạng lưới giao thông công cộng... là những giải pháp quan trọng để kiến tạo những thành phố không carbon trong tương lai.
Xe buýt sử dụng điện tuyến Công viên 23-9 - Thảo cầm viên Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG
Xe buýt sử dụng điện tuyến Công viên 23-9 - Thảo cầm viên Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ động trước những thách thức

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH. Nhằm giảm những rủi ro thiên tai do BĐKH gây ra, nhiều thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH.

PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cho biết ở một số nước châu Âu, các thành phố thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thường thông qua bốn bước bao gồm xác định mức phát thải, lên kế hoạch lộ trình giảm phát thải, ban hành các chính sách, quan trắc và theo dõi liên tục mức độ giảm phát thải. Tại Đà Nẵng, thành phố cũng đã triển khai nhiều hành động, kế hoạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH. Chẳng hạn như triển khai đề án sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong các công trình; phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; phát triển giao thông thông minh.

Theo Sở TN-MT TPHCM, thời gian qua TPHCM đã triển khai rất nhiều giải pháp để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH. Cụ thể, thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trên 5 lĩnh vực, bao gồm: năng lượng cố định, giao thông, chất thải, quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm, nông nghiệp, rừng và sử dụng đất. Đồng thời, TPHCM cũng đã ký bản ghi nhớ về hợp tác với Tổ chức C40 trong việc tham gia dự án công khai thông tin về phát thải carbon hay tích cực tham gia Dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (Dự án SPI-NAMA) do Bộ TN-MT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện. Đặc biệt, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong kế hoạch này, thành phố đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững, tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.

Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính tại TPHCM còn rất lớn. Đơn cử, hiện tại thành phố đang tồn tại nhiều bãi chôn lấp rác tại công trường xử lý rác Đông Thạnh, Gò Cát, khu xử lý rác thải Đa Phước và Phước Hiệp. Nếu những dự án này đều được xử lý theo hình thức thu khí thải phát điện thì không những giảm thiểu đáng kể lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn giúp tăng lượng điện sạch cung ứng cho hệ thống lưới điện cả nước. Mặt khác, theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, hiện công ty cũng như nhiều doanh nghiệp xử lý rác thải khác đang nỗ lực chuyển đổi công nghệ xử lý rác theo hướng giảm thiểu rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ rác thải tái chế bằng công nghệ đốt phát điện, từng bước góp phần tăng “điểm xanh” cho thành phố.

Ông Lý Minh Đăng, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ), nhấn mạnh thêm, để hỗ trợ cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH, GIZ và các tổ chức phối hợp triển khai dự án “Thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL giai đoạn 2), thời gian thực hiện 2021-2025, với ngân sách 11.350.000 Euro (vốn ODA viện trợ không hoàn lại). Mục tiêu của dự án là cải thiện công tác quản lý sử dụng đất, nước và rừng ngập mặn vùng ven biển ĐBSCL. Dự án tập trung vào các giải pháp như thiết lập khung thể chế thúc đẩy liên kết phát triển vùng ĐBSCL, cải thiện công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư cấp vùng phục vụ công tác quản lý nước đô thị và nông thôn. Dự án cũng sẽ áp dụng các giải pháp công nghệ mới, sáng tạo trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng thoát nước và chống ngập đô thị.

Cần chung tay từ nhiều phía

 Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0, bên cạnh những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia trong việc đầu tư ứng dụng công nghệ và sáng kiến khoa học trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình...

Chia sẻ về nội dung này, TS Kiến trúc sư Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Phúc Khang Corporation, cho biết theo tính toán việc áp dụng các giải pháp thiết kế thụ động, các thiết bị tiết kiệm điện, thiết bị có hiệu suất sử dụng cao và các thiết bị cảm biến tự động, năng lượng tiêu thụ trong công trình Diamond Lotus Riverside có thể tiết kiệm đến 50% so với kịch bản thông thường. Đây là một nỗ lực cố gắng làm tốt hơn từ cả phía nhà phát triển dự án và cộng đồng cư dân sinh sống tại đây.

Bà Phạm Cẩm Nhung, đại diện WWF Việt Nam, cho biết Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm trong việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Quyết tâm này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng lộ trình, kịch bản và giải pháp để đạt được mục tiêu lớn hơn về giảm khí thải. Thông qua Liên minh Hành động vì khí hậu quốc tế, WWF đã và đang hành động quyết liệt vì mục tiêu chung. WWF hy vọng sau khi COP26 kết thúc sẽ có thêm nhiều cơ quan chính quyền địa phương, khối tư nhân, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội tham gia xây dựng chiến lược để đạt phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt.

“Hiện theo nghiên cứu của IEA mức độ tiêu thụ năng lượng đến 2040 sẽ tăng trưởng đáng kể. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong công trình, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và cải thiện chất lượng không khí là những yếu tố quan trọng mà toàn xã hội cần tập trung vào.

TS Emily McQualter, nhà phân tích chính sách tiết kiệm năng lượng tại Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cũng cho rằng, để kế hoạch có thể thành công, đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ nhiều phía. Theo đó, Chính phủ cần đưa ra các khung chính sách phù hợp để triển khai các dự án, công trình. Đối với khối doanh nghiệp, cần thể hiện rõ nét trách nhiệm của mình với môi trường và xã hội .

Tin cùng chuyên mục