Hướng tới Mặt trăng

Bộ Khoa học Hàn Quốc vừa thông báo đã ký một thỏa thuận quốc tế, là Hiệp định Artemis, được đặt tên theo chương trình Mặt trăng Artemis của Cơ quan Vũ trụ hàng không Mỹ (NASA).

Hàn Quốc là nước thứ 10 tham gia Hiệp định Artemis. Đây là nỗ lực của NASA nhằm hình thành các tiêu chuẩn đối với hoạt động xây dựng các cơ sở lâu dài trên bề mặt Mặt trăng, đồng thời ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia đang hoạt động tại đó. 

Trước đó, ngày 26-5, Canada thông báo kế hoạch đưa tàu thăm dò tự động lên Mặt trăng trong 5 năm tới. Đây được xem là kế hoạch đầy tham vọng của Ottawa trong việc trở thành “một phần của lịch sử ngành không gian vũ trụ” như lời ông Francois-Philippe Champagne, Bộ trưởng Bộ Sáng tạo, Khoa học và Công nghiệp của Canada, khẳng định. Theo kế hoạch, Cơ quan Vũ trụ hàng không Canada (CSA) sẽ hợp tác với NASA để phát triển các mẫu thiết kế cho thiết bị thăm dò và các công cụ khoa học khác để phục vụ sứ mệnh khám phá Mặt trăng, thực hiện các nghiên cứu khoa học, chụp hình và thu thập dữ liệu về bề mặt của Mặt trăng, đưa phi hành gia Canada lên khám phá Mặt trăng lần đầu tiên vào năm 2023... 

Cuộc chạy đua lên Mặt trăng bắt đầu nóng sau quyết định chọn tập đoàn công nghệ SpaceX của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk thực hiện dự án phát triển tàu đổ bộ đưa các phi hành gia lên Mặt trăng của NASA vào cuối tháng 4 vừa qua. Ngay sau đó, giới khoa học vũ trụ Trung Quốc khẳng định, nước này là cường quốc vũ trụ, đủ khả năng thám hiểm không gian, khám phá các vùng sâu hơn trong vũ trụ. Hồi tháng 12-2020, tàu thăm dò Hằng Nga 5 đã hạ cánh thành công lên bề mặt Mặt trăng và là lần hạ cánh thành công thứ 3 của Trung Quốc trong vòng 7 năm qua. Đầu tháng 3-2021, Nga - với tư cách là nước đi đầu trong lĩnh vực khám phá không gian, cũng đã ký bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc cùng xây dựng một trạm vũ trụ Mặt trăng.

Bên cạnh những cường quốc vũ trụ như Mỹ, Nga, một số nước khác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Israel… vốn dĩ yếu thế trong cuộc đua không gian nay cũng liên tục phát triển các chương trình thám hiểm Mặt trăng đầy tham vọng.

Dự báo, cuộc chạy đua chia phần trên Mặt trăng và cả sao Hỏa trong thời gian tới chắc chắn sẽ nóng bỏng và thần tốc hơn nữa. Đây là cuộc đua không chỉ phục vụ các mục đích quân sự và dân sự, mà còn mang lại các lợi ích kinh tế ước tính trị giá hàng ngàn tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục