Hướng tới đốt rác phát điện

Trung bình mỗi ngày môi trường TPHCM tiếp nhận 9.000 tấn rác thải. Con số này sẽ tăng lên khoảng 12.000 tấn vào năm 2020. Thế nhưng, phần lớn lượng rác thải đều không được phân loại. Thực tế này sẽ gây khó cho hoạt động của các nhà máy xử lý rác thải khi đi vào hoạt động. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, về vấn đề này. 

PHÓNG VIÊN: TPHCM đang đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư nhà máy đốt rác phát điện. Đến nay đã có những doanh nghiệp nào tham gia, thưa ông? 

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Vào tháng 9-2019, thành phố rất phấn khởi khi chính thức khởi công nhà máy xử lý đốt rác phát điện đầu tiên thuộc Công ty cổ phần Vietstar. Gần đây nhất, ngày 16-10, Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa cũng đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Công suất xử lý rác thải của nhà máy này giai đoạn 1 là 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40MW/ngày. Hiện công ty cũng có tham vọng nâng công suất xử lý rác của nhà máy lên 5.000 tấn rác/ngày trong thời gian tới, nếu thành phố có nhu cầu. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM

Trên địa bàn TPHCM sẽ có thêm 2 nhà máy đốt rác phát điện dự kiến sẽ khởi công, động thổ trong năm 2019 là của Công ty Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đầu tư, với tổng công suất xử lý 3.000 tấn rác/ngày. Như vậy, cơ bản những dự án xử lý rác tại Khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) sẽ chuyển đổi sang công nghệ xử lý rác hiện đại là đốt phát điện, giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp cũng như không phát sinh nước rỉ rác, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm thứ phát cho khu dân cư. 

Với tổng công suất xử lý đốt rác phát điện khoảng 7.000 tấn rác/ngày, so với lượng rác phát sinh là 9.000 tấn hiện nay và 12.000 tấn vào năm 2020 thì có quá thấp? 

Theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, xác định đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%. Con số này đến năm 2025 chỉ còn 20%. Trên cơ sở mục tiêu này và dựa vào thực tế công suất xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện mà các nhà máy đã và sẽ khởi công trong năm 2019 ước đạt khoảng 7.000 tấn, thì đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra vào năm 2020. 

Đưa rác sinh hoạt vào xe ép rác. Ảnh: CAO THĂNG

Riêng với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, đang xử lý 9.000 tấn rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp. Đây là đơn vị tiếp nhận và xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp lớn nhất thành phố hiện nay và căn cứ theo hợp đồng giao nhận rác giữa thành phố và công ty, thì thời hạn mà thành phố giao rác cho đơn vị này kéo dài đến năm 2024. Tuy nhiên, Sở TN-MT đã làm việc với công ty này và đề nghị nhanh chóng đầu tư nhà máy đốt rác phát điện để chuyển đổi xử lý 2.000 tấn/9.000 tấn rác đang chôn lấp sang đốt phát điện. 

Cũng phải thấy rằng, việc xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp đã không còn phù hợp, nhất là khi diện tích đất của thành phố ngày càng khan hiếm, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. 

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, thủ tục hành chính để được phép đầu tư xử lý rác thải của thành phố nói chung còn phức tạp, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư lĩnh vực này? 

Không hoàn toàn như vậy. Tại Hội nghị lần thứ 30 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Thường trực Thành ủy TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh hỗ trợ về thủ tục để các dự án chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện sớm được khởi công xây dựng. Đến năm 2020, phải đạt mục tiêu giảm lượng rác chôn lấp còn 50%. Tiếp theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đã khẳng định đây là chủ trương lớn của thành phố và chỉ đạo các cơ quan chức năng phải gấp rút triển khai. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính là khâu hết sức quan trọng. 

Trước chỉ đạo đó, Sở TN-MT đã tích cực phối hợp với các sở ngành liên quan như Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở QH-KT, Sở Công thương… hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành. Chỉ hơn 1 tháng sau thành phố chỉ đạo, nhà máy xử lý đốt rác phát điện đầu tiên đã chính thức khởi công, mở đầu cho 4 dự án sẽ khởi công trong năm 2019 và những năm tiếp theo. 

Việc đưa vào hoạt động những nhà máy xử lý rác đốt phát điện chỉ mới xử lý được lượng rác phát sinh hàng ngày. Còn lượng rác đang được chôn lấp tại những bãi rác đã đóng cửa thì sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

Sau khi đưa vào hoạt động ổn định những nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện, Sở TN-MT sẽ thực hiện phương thức đấu thầu xử lý lượng rác thải tại những bãi rác đã chôn lấp như Đông Thạnh, Gò Cát… Hiện sở đang nghiên cứu và đề xuất giải pháp xã hội hóa đầu tư cho hoạt động xử lý này. Theo đó, có thể sẽ áp dụng hình thức doanh nghiệp đầu tư xử lý lượng rác thải chôn lấp tại bãi rác đã đóng cửa. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ được tính toán hợp lý để sử dụng và khai thác mặt bằng của các bãi rác đã đóng cửa. Dự kiến, việc nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý bãi rác này sẽ được hoàn thiện và trình UBND TPHCM trong 6 tháng nữa. 

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, do rác thải thu gom chưa được phân loại nên sẽ gây khó cho hoạt động của các nhà máy xử lý rác khi đi vào hoạt động? 

Liên quan đến vấn đề này, Sở TN-MT cũng đã và đang đề xuất với thành phố một giải pháp xử lý khả thi. Theo đó, dựa vào công nghệ đốt phát điện mà các doanh nghiệp sẽ đầu tư thì rác thải không cần phân thành nhiều loại, cơ bản chỉ cần phân thành 2 loại: rác tái chế và rác còn lại. Việc tuyên truyền và thu gom sẽ giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM thực hiện. Trên cơ sở đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM sẽ kết hợp chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội vận động tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Kế đến, thiết kế lịch trình thu gom rác tái chế phù hợp với các khu dân cư. Phần rác còn lại vẫn do các đơn vị dịch vụ công ích quận huyện, các lực lượng thu gom rác dân lập duy trì thu gom như cũ. Việc này giúp tăng hiệu quả phân loại rác tại nguồn trong các hộ gia đình nhưng cũng không làm xáo trộn hoạt động thu gom rác hiện nay của thành phố.

Tin cùng chuyên mục