Hướng ra cho bài toán tuyển dụng giáo viên

Năm học 2022-2023 đã khai giảng hơn 2 tuần, nhưng nhiều trường học trên địa bàn TPHCM vẫn chưa tuyển đủ giáo viên. Tình hình càng khó khăn hơn đối với các khối lớp triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 
Học sinh lớp 6, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) tham gia hoạt động tìm hiểu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Học sinh lớp 6, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) tham gia hoạt động tìm hiểu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Thiếu hàng ngàn giáo viên 

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành giáo dục và đào tạo quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cho biết, năm học 2022-2023, toàn quận cần bổ sung 97 giáo viên. Qua tuyển dụng đợt 1, mới có 38 giáo viên được tuyển mới, cùng 7 giáo viên chuyển công tác từ nơi khác đến, do đó chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu còn thiếu ở các đơn vị. Tương tự, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, thông tin, địa phương còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh, 7 trường thiếu giáo viên môn Tin học do không có người dự tuyển. 

Tại Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở hàng loạt bộ môn như Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Sinh học, Âm nhạc và Thể dục. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận, cơ cấu giáo viên ở các bộ môn chưa đồng bộ, đặc biệt 2 môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý) và các môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp nhiều khó khăn về phân bổ giáo viên.

“Năm học trước, chúng tôi tách hai mảng kiến thức lịch sử và địa lý dạy riêng, nhưng năm học này thiếu giáo viên môn Lịch sử nên thầy cô tổ Địa lý phải choàng gánh”, cô Thu cho biết. Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, toàn quận còn thiếu 20 giáo viên tiếng Anh, 4 giáo viên môn Tin học ở bậc tiểu học; riêng bậc THCS thiếu giáo viên chủ yếu ở các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật.

Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, năm nào thành phố cũng tuyển dụng giáo viên nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của các đơn vị. Ngoài nguyên nhân đến từ chế độ chính sách chưa đủ sức thu hút, bài toán giữ chân đội ngũ cần được nghiêm túc nhìn nhận.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, sau khai giảng năm học mới, toàn thành phố cần bổ sung 5.939 biên chế giáo viên. Trong đó, bậc THCS thiếu nhiều nhất với 2.467 giáo viên, kế đến là bậc tiểu học với 2.169 giáo viên, mầm non thiếu 1.006 giáo viên và THPT thiếu 297 giáo viên.  

Sớm có chính sách thu hút 

Lý giải thực tế thiếu giáo viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, những năm học trước, khi thực hiện chương trình giáo dục theo Quyết định 16 (ban hành năm 2006) của Bộ GD-ĐT, tiếng Anh và Tin học là môn tự chọn, trường học có thể hợp đồng thỉnh giảng giáo viên với năng lực và trình độ phù hợp nhu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, từ năm học 2022-2023, hai môn học này trở thành bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, việc đào tạo giáo viên tiếng Anh, Tin học ở các trường đại học không kịp cung ứng nguồn giáo viên cho các trường phổ thông. Để giải quyết thiếu hụt này, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức các khóa đào tạo giáo viên kết hợp đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thêm nguồn tuyển. Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo thành phố cho biết, sớm nhất 2 năm nữa sinh viên khóa này mới ra trường, sau đó dần dần mới có thể ổn định nguồn tuyển cho các đơn vị. 

Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển, Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng lao động ngắn hạn với các giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, các đơn vị có thể tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, triển khai lớp học ảo (một giáo viên cùng thời điểm có thể dạy cho nhiều lớp học ở những điểm trường khác nhau). Trong đó, đối với bậc tiểu học, các quận, huyện bố trí giáo viên linh hoạt, bảo đảm 100% trường tiểu học tổ chức dạy hai môn tiếng Anh và Tin học ở lớp 3.

Trong điều kiện thiếu giáo viên, địa phương có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hoặc tận dụng giáo viên cấp THCS tham gia giảng dạy ở trường tiểu học. Riêng đối với bậc THPT, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư đề xuất, nếu trả thu nhập cho người dạy các môn nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật tương đương môn học khác sẽ không có nguồn tuyển do người lao động có xu hướng chọn môi trường làm việc thoải mái với thu nhập cao hơn giảng dạy ở trường phổ thông. Do đó, ngành giáo dục cần nghiên cứu chính sách đặc thù để tăng thêm sức hút đối với giáo viên các bộ môn nghệ thuật.

Trường THCS-THPT Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) là một trong 7 đơn vị được giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên trong năm học 2022-2023. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn xa trung tâm, thu nhập không tương xứng nên thiếu nguồn tuyển giáo viên. “Năm học trước, chúng tôi chấp nhận trả lương thỉnh giảng giáo viên gấp đôi, thậm chí gấp ba quy định nhưng vẫn không có ứng viên dự tuyển môn tiếng Anh. Để giải quyết tạm thời bài toán tuyển dụng, trường triển khai phương án dạy học trực tuyến đối với bộ môn tiếng Anh, với sự hỗ trợ của giáo viên các trường khác”, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Bảo Ngọc cho biết.

Tin cùng chuyên mục