Hướng nghiệp thời 4.0

Trải nghiệm thực tế ngành nghề khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trao đổi kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm hiểu ngành nghề… là những hình thức đổi mới hướng nghiệp đang được các trường THPT trên địa bàn TPHCM áp dụng nhằm mang lại hiệu quả thực chất cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) tham gia hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên”, cuối tháng 3-2021
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) tham gia hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên”, cuối tháng 3-2021

Nhiều hình thức trải nghiệm

Nhằm giúp học sinh có cái nhìn rõ nét hơn về yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp bậc THPT, đầu tháng 5, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp với chủ đề “Góc nhìn doanh nghiệp”. Tại đây, sau khi lắng nghe ý kiến của học sinh về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, chuyên gia Đặng Nguyễn Đức Thắng chỉ ra thực tế, phần đông  học sinh hiện nay lựa chọn các ngành kinh tế, ngân hàng vì muốn có thu nhập cao sau khi ra trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lĩnh vực nào cũng có người thành công và không phải ai đi theo con đường kinh tế cũng có thể làm giàu thành công. “Qua nhiều năm làm việc ở các doanh nghiệp, tôi nhận thấy chỉ có 15% thành công nhờ vào kiến thức, kỹ năng chuyên môn, 85% còn lại phụ thuộc vào kỹ năng giao tiếp của người lao động”, ông Đức Thắng cho biết. 

Ở góc độ khác, theo bà Nguyễn Lan Anh, cựu học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, sau khi trải qua nhiều môi trường làm việc trong các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, bảo hiểm, công nghệ thông tin, logistics, kinh nghiệm được nữ doanh nhân này rút ra là hiện nay đối với người tuyển dụng, doanh nghiệp không đề cao yêu cầu về chuyên môn mà đòi hỏi ứng viên phải có trình độ cao về ngoại ngữ và khả năng học hỏi, thích ứng với nhiều môi trường làm việc. Thầy Nguyễn Duy Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết, thông qua chia sẻ của các chuyên gia, học sinh sẽ có thêm gợi ý, tiết kiệm thời gian trong việc xác định hướng đi phù hợp cho mình.         

Trước đó, cuối tháng 3, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã tổ chức chương trình trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” thu hút sự tham gia của 197 học sinh ở cả 3 khối lớp 10, 11 và 12. Thông qua hình thức “đóng vai”, học sinh có cơ hội trở thành giáo viên thực thụ với đầy đủ các bước chuẩn bị cho một tiết dạy trên lớp gồm thu thập tư liệu, soạn giáo án, xây dựng kế hoạch bài dạy… Từ sân chơi này, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết, nhiều học sinh đã mạnh dạn hơn trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường sư phạm. “Trải nghiệm thực tế giúp học sinh đánh giá được mức độ phù hợp của bản thân với ngành nghề muốn theo đuổi. Qua đó, các em sẽ xác định được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có thể đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp”, thầy Phú cho biết. 

Đánh giá về hoạt động tư vấn hướng nghiệp ở các trường phổ thông hiện nay, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, trường học cần đa dạng trong việc triển khai các hoạt động hướng nghiệp, phù hợp với đặc thù đơn vị và nhu cầu tư vấn của học sinh. Tới đây, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT (lớp 10 đến lớp 12) được xem là giai đoạn định hướng nghề nghiệp thông qua yêu cầu lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp năng lực, sở thích và nghề nghiệp sau này của học sinh.

Hướng nghiệp cả phụ huynh

Bên cạnh các hoạt động tư vấn trực tiếp, năm học 2020-2021 cũng đánh dấu sự ra đời của nhiều phần mềm, ứng dụng hướng nghiệp trực tuyến cho học sinh. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người học có thể tải ứng dụng về máy tính hoặc điện thoại di động, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến tính cách, sở thích, năng lực học tập, từ đó xác định những ngành nghề phù hợp. TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TPHCM, khẳng định, hướng nghiệp thời 4.0 mang đến nhiều thuận lợi cũng như mở ra nhiều kênh thông tin hữu ích, giúp người học có cái nhìn bao quát, toàn diện hơn về các lĩnh vực, ngành nghề lao động phù hợp với bản thân trong xã hội. Tuy nhiên, TS Lê Thị Thanh Mai cho rằng, bản thân người học chỉ nên coi đây là một trong những kênh thông tin tham khảo để lựa chọn ngành nghề phù hợp, không nên bỏ qua các yếu tố như điều kiện kinh tế gia đình, sở thích cá nhân… 

Ở một góc khác, theo chuyên gia tâm lý Hoàng Sĩ Đăng, cơ hội mở ra càng nhiều buộc người học phải có kỹ năng đánh giá, phân tích để đưa ra lựa chọn phù hợp. Nhiều giáo viên cũng nhận định, để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả, đối tượng cần quan tâm không chỉ là học sinh mà còn cả phụ huynh, lực lượng tác động không nhỏ đến việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh.   

Ở góc độ doanh nghiệp, TS Phan Công Chính, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng do thiếu nguồn thông tin về ứng viên cũng như cầu nối giúp nhà tuyển dụng và người tìm việc hiểu được nguyện vọng, nhu cầu hợp tác của đôi bên. Từ thực tế đó, các phần mềm, ứng dụng về hỗ trợ việc làm ra đời đã trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp và người lao động kết nối được với nhau, giải quyết bài toán cung - cầu nhân lực lao động trong xã hội.

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, xác định, đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Ngoài ra, cả nước đảm bảo ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Tin cùng chuyên mục