Hưởng lợi từ xung đột

Cuộc xung đột tại Ukraine khiến các bên liên quan đã và đang phải chịu những thiệt hại về kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Mỹ vẫn là bên hưởng lợi từ cuộc xung đột này.

Những tổn thất về kinh tế đối với các nước Liên minh châu Âu (EU) đã có thể cảm nhận rõ trên nhiều khía cạnh, trước hết là những thiệt hại do việc cắt đứt nhiều mối quan hệ về kinh tế, thương mại với Nga, và cả gánh nặng phải đón nhận người tị nạn Ukraine.

Thách thức lớn với khối này là tìm nguồn cung thay thế cho dầu mỏ, khí đốt, nguyên vật liệu cơ bản của Nga trên thị trường châu Âu. Cùng lúc, Mỹ vẫn thúc ép các nước EU phải cấm vận hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt của Nga. Cuối tháng 3 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh với các nước EU ở Brussels, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa hẹn giúp châu Âu giải bài toán năng lượng bằng cách cung cấp khí đá phiến của Mỹ, để trong lâu dài thay thế cho 30% lượng khí đốt mà EU phải nhập từ Nga lâu nay.

Ngay lập tức, tại Mỹ, các nhà sản xuất khí hóa lỏng đã nhìn thấy “cửa” làm ăn lớn. Họ gia tăng áp lực với chính quyền Tổng thống Biden để có được các nhượng bộ mới trong việc phát triển đầu tư vào các mỏ khai thác khí đá phiến. Theo Le Figaro, các tập đoàn lớn của Mỹ, như ExxonMobil, sẽ đưa vào hoạt động khu khai thác khí đá phiến khổng lồ tại bang Texas vào năm 2024. Như vậy, khoản đầu tư 10 tỷ USD của họ giờ đây đã được bảo đảm sinh lời nhờ các khách hàng châu Âu.

Xung đột Nga - Ukraine giữa lòng châu Âu sẽ khiến EU phải tăng chi tiêu cho quốc phòng. Đức đã cam kết tăng mạnh chi tiêu quân sự. Thủ tướng nước này, Olaf Scholz, cho biết dự định chi 100 tỷ EUR để hiện đại hóa quân đội Đức. Quyết định của ông đã không làm ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hài lòng, khi Berlin thông báo mua 35 chiến đấu cơ F-35 của nhà chế tạo Mỹ Lockheed Martin để thay thế cho phi đội Tornado.

Hưởng lợi từ xung đột ảnh 1 Máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin
Quân đội nhiều nước châu Âu cũng đã có ý định bổ sung cơ số cho đội máy bay vận tải quân sự, hiện chủ yếu là loại Antonov 124 do Ukraine chế tạo hoặc A400M của Airbus, bằng loại C-17 của Tập đoàn Mỹ McDonnell Douglas. Đáp ứng lời kêu cứu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Ukraine “cần vũ khí”, Washington đã không ngần ngại bổ sung các khoản viện trợ quân sự cho Kiev, giờ đã lên tới hàng tỷ USD, và số tiền này sẽ được đổ về túi các nhà công nghiệp sản xuất vũ khí của Mỹ.

Bên ngoài cuộc chiến, người ta cũng nói nhiều đến viễn cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm và thường nhắc lại rằng trước khi chiến sự nổ ra, Nga và Ukraine cung cấp 25% nhu cầu lúa mì của thế giới. Lúc này, Nga không bán được lúa mì vì bị trừng phạt, trong khi lúa mì của Ukraine thì nằm im trong kho cảng bên biển Đen. Hậu quả là giá lúa mì tăng đến 30% từ tháng 1 đến tháng 3. Giới chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm toàn cầu. Trong bối cảnh giá lương thực có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, theo giới quan sát, các nhà nông nghiệp Mỹ - vốn được Chính phủ Mỹ trợ giá sản xuất rất lớn - sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh trên thị trường phân phối lương thực thế giới.

Năm 2021, nông nghiệp Mỹ đã đạt kỷ lục xuất khẩu 177 tỷ USD nông sản. Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài, chắc chắn danh hiệu “vựa lúa thế giới” sẽ được chuyển cho vùng Trung Tây của Mỹ.

Tin cùng chuyên mục