Hưởng lợi từ lưới điện thông minh

Thời gian qua, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã thực hiện thành công việc xây dựng lưới điện thông minh, có thể giúp xử lý sự cố ngay lập tức trong một số tình huống; đồng thời, góp phần hiệu quả vào việc triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” của UBND TPHCM.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện từ xa của EVNHCMC
Trung tâm Điều độ hệ thống điện từ xa của EVNHCMC

Tạo thuận lợi cho khách hàng

Nếu trước đây, mỗi khi xảy ra sự cố trên lưới điện, công nhân phải trực tiếp đến hiện trường, tìm nguyên nhân rồi khắc phục sự cố một cách thủ công; thời gian thông thường khoảng 2 tiếng. Nhưng giờ, chỉ sau vài phút, việc tái lập điện cho các khu vực không bị ảnh hưởng. Khi xảy ra sự cố cho đến khi xử lý xong vụ việc, hoàn toàn được điều khiển từ xa - Trung tâm Điều độ hệ thống điện của EVNHCMC đặt tại quận 1.

Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh cho biết, tất cả lưới điện thuộc sự quản lý của các công ty điện lực thành viên đều hiển thị ở Trung tâm Điều độ hệ thống điện. Đây là trung tâm với dữ liệu được xây dựng bằng nỗ lực và trí tuệ của đội ngũ kỹ sư của EVNHCMC, luôn là niềm tự hào mà đội ngũ cán bộ công nhân viên EVNHCMC chia sẻ khi nói về trung tâm điều khiển từ xa - mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước.

Với hệ thống thiết bị tự động được lắp đặt trên lưới điện, các kỹ sư tự lập trình phần mềm điều khiển. Mỗi khi có sự cố xảy ra, lập tức hệ thống sẽ báo động chính xác vị trí sự cố. Từ đó, nhân viên trực có thể cô lập khu vực xảy ra sự cố. Thông qua các thiết bị đóng - cắt điện tự động đã lắp trên lưới điện, nhân viên điều hành sẽ thực hiện việc chuyển tải để khu vực bị mất điện được hạn chế ở mức thấp nhất. 

Theo đại diện EVNHCMC, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động khó lường như triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây nên tình trạng ngập úng đô thị, EVNHCMC còn phối hợp với các đơn vị liên quan để thiết lập bản đồ quản lý các điểm có nguy cơ ngập, lắp camera theo dõi thường xuyên, kịp thời đánh giá tình hình thực tế và lên phương án vận hành an toàn các khu vực đã ngầm hóa hệ thống điện.

Từ kinh nghiệm của các nước, xây dựng một hệ thống lưới điện thông minh đã nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động và tư vấn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Lưới điện thông minh “đi trước” chính là cơ sở quan trọng góp phần cùng TPHCM về đích sớm trong quá trình xây dựng một thành phố thông minh.

Công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ ngành điện

Thời gian qua, EVNHCMC đã tập trung vào công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển lưới điện theo mô hình lưới điện thông minh, nhằm mang đến hiệu quả và lợi ích cao nhất cho khách hàng. Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh cho rằng, chính công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ ngành điện, thể hiện rõ ở lưới điện thông minh mà ngành đang nỗ lực triển khai.

Đề án lưới điện thông minh được triển khai từ năm 2016 nhằm xây dựng một hệ thống lưới điện tiên tiến, quản lý nhu cầu điện năng theo thời gian thực tế, chất lượng điện tin cậy, ổn định và liên tục. EVNHCMC đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống điều hành lưới điện hiện đại (SCADA/DMS). Hiện 100% các trạm 110kV được điều hành từ xa. Ngoài ra, EVNHCMC đang thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 22kV, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa trên đường dây đang mang điện để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện. EVNHCMC đã tự nghiên cứu chế tạo thành công và đã đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh cách điện lưới 110kV, 22kV bằng vòi nước áp lực cao để phục vụ việc bảo trì lưới điện mà không phải cắt điện, góp phần giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Đặc biệt, EVNHCMC đã phát triển hệ thống Smart Grid nhằm trợ giúp phát triển nguồn năng lượng tái tạo, cũng như nhằm giảm tổn thất điện năng, đảm bảo mỹ quan và an toàn hệ thống điện; tối ưu hóa vận hành lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, kể cả giảm chi phí đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện, chống sự cố mất điện diện rộng.

Như vậy, sau quá trình triển khai các giải pháp công nghệ mới, đã mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, kỹ thuật, độ tin cậy lưới điện được nâng cao với chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình một khách hàng) của 11 tháng năm 2019 là 0,72 lần, giảm 51,3% so với cùng kỳ và chỉ số SAIDI (số thời gian mất điện trung bình của 1 khách hàng) là 56,43 phút, giảm 52,8% so với cùng kỳ năm 2018. EVNHCMC cũng là đơn vị tiên phong trong áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu mất điện (OMS) và thực hiện đề án bảo trì lưới điện theo mô hình tiên tiến.

Từ những kinh nghiệm đúc kết được trong thực tế, các giải pháp công nghệ quan trọng ấy đã được nhân rộng trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam để góp phần vào việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Hiện EVNHCMC đang hỗ trợ miễn phí công tác kết nối các dự án hệ thống điện mặt trời do khách hàng đầu tư vào lưới điện trên địa bàn thành phố. Ứng dụng hệ thống đo đếm dữ liệu công tơ điện tử từ xa, phấn đấu đến năm 2022 sẽ có 100% khách hàng được đo xa.

Những thành công của EVNHCMC nói riêng và EVN nói chung đạt được trong việc triển khai lưới điện thông minh, đã góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện và góp phần tối ưu hóa công tác quản lý, chi phí vận hành lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tin cùng chuyên mục