Hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế

Ngày 30-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Chỉ tiêu duy nhất dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. 

Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo các đại biểu, kết quả triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khiêm tốn; đến cuối tháng 8-2022, vẫn còn 2/17 văn bản để cụ thể hóa chính sách chưa được ban hành. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án triển khai rất chậm; gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp... 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu: “Những việc đã làm đạt kết quả tốt, nhưng cũng cần thấy rõ là từ giờ đến cuối năm và có thể sang năm, khó khăn còn chồng chất. Báo cáo cần bổ sung những cảnh báo, dự báo mạnh mẽ hơn nữa”. Tuy chỉ có một chỉ tiêu không đạt, nhưng lại là chỉ tiêu mấu chốt. Bên cạnh đó, đa phần lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài chỉ đạt chất lượng lao động phổ thông. 

Ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đề nghị báo cáo thẩm tra “làm rõ thêm một số vấn đề nổi cộm”. Một trong số này là chi phí logistics rất cao, khoảng 16% GDP. Nếu ta giảm được 1% chi phí logistics, ta đã có ngay 5 tỷ USD và nếu giảm được về mức trung bình của thế giới (khoảng 10%) thì nền kinh tế đã có thêm 25 tỷ USD một năm. 

Về định hướng cho năm 2023, các ý kiến đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời, tránh trường hợp bị động, bất ngờ. Bên cạnh đó, kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đặc biệt cần lưu ý điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn; hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cần thể hiện rõ quan điểm, phân tích sâu những vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, từ đó quyết định những giải pháp phù hợp. Ngoài ra, báo cáo thẩm tra trình Quốc hội còn phải đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục... Ủy ban Kinh tế cần tăng cường phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện báo cáo thẩm tra, bảo đảm chất lượng cao nhất, dự báo đúng tình hình, đưa ra các nhận định, giải pháp đúng và trúng.

Tin cùng chuyên mục