Hướng đi mới của giới khởi nghiệp Nhật Bản

Trong bối cảnh thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt, các công ty khởi nghiệp Nhật Bản, với thế mạnh về công nghệ và khả năng phát triển hàng hóa, dịch vụ, đã chuyển sang lĩnh vực phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế tại các khu vực bị ảnh hưởng. 
Ông Yosuke Maeda, Chủ tịch Wota Corp, bên cạnh chiếc Wota Box
Ông Yosuke Maeda, Chủ tịch Wota Corp, bên cạnh chiếc Wota Box

Năm 2019, Tập đoàn Wota đã ra mắt thiết bị xử lý nước tái chế di động. Thiết bị này có tên gọi Wota Box, có thể tái chế tới 98% lượng nước từ nguồn nước thải sau khi tắm, rửa tay và giặt giũ. Theo Wota, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần quản lý chất lượng nước và Wota Box có thể cung cấp nước uống khi nguồn cung bị cắt. Hiện 20 địa phương ở Nhật Bản đã sử dụng thiết bị này.  

Đại diện Tập đoàn Wota cho biết, sau một loạt trận động đất xảy ra ở các tỉnh Kumamoto và Oita, Tây Nam Nhật Bản, vào năm 2016, công ty khởi nghiệp tách ra từ Đại học Tokyo này đã tình nguyện đến các khu vực bị ảnh hưởng, giới thiệu nguyên mẫu của Wota Box nhằm cung cấp nước tắm cho các trung tâm lánh nạn. Được người dân đón nhận tích cực, Wota đã lắp đặt hệ thống phòng tắm tại các trung tâm sơ tán sau khi nhiều khu vực miền Tây Nhật Bản chìm trong mùa mưa lũ năm 2018. 

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh khi đó là thiết bị này đòi hỏi một người có hiểu biết về kỹ thuật và máy móc căn bản vận hành. Chính vì vậy, Wota đã cải tiến hệ thống AI để làm Wota Box thân thiện hơn. Trong các trận lũ xảy ra tháng 7-2020, do mưa lớn ở các tỉnh Kumamoto và Kagoshima, nhân viên tại các trung tâm sơ tán đều có thể vận hành Wota Box sau khi được nhân viên công ty khởi nghiệp này hướng dẫn. Đúng như tuyên bố của ông Yosuke Maeda, Chủ tịch Wota, thực tế đúc rút từ các thảm họa đã giúp Wota Box trở nên “khả dụng hơn về mặt xã hội”.

Thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không loại trừ ai. Việc ứng phó với thiên tai phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trang thiết bị và kỹ năng ứng phó của mỗi người. Kokua Inc., một công ty khởi nghiệp khác có trụ sở tại Tokyo, cũng đã tiếp cận lĩnh vực phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai theo hướng tiếp thị các đồ dùng khẩn cấp như bình cứu hỏa và thực phẩm sinh tồn. Chia sẻ lý do “bước chân” vào lĩnh vực trên, ông Yusaku Izumi, Chủ tịch Kokua, nêu rõ: “Không ai biết khi nào thảm họa sẽ xảy ra, một số người không sẵn sàng mua các đồ dùng khẩn cấp, nhưng nếu bạn biến nó thành một món quà mà mọi người có thể lựa chọn, bạn sẽ trao cho họ cơ hội biết đến nhiều hơn về thảm họa”. Ông Izumi khẳng định, nhu cầu về đồ dùng khẩn cấp đang tăng lên khi người dân chuyển, hoặc xây nhà mới. 

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Yano dự báo, riêng thực phẩm dự trữ trong thị trường đồ dùng khẩn cấp có thể sẽ tăng gần gấp đôi, lên 27,8 tỷ yen (252 triệu USD) trong tài khóa 2024, so với mức chỉ 14,3 tỷ yen trong tài khóa 2015. Hiện nhà chức trách đang đẩy nhanh khả năng đáp ứng của các quy trình quản lý rủi ro do hậu quả của các thảm họa thiên nhiên liên tiếp và đại dịch Covid-19. 

Theo báo Mainichi, trong thời gian tới, chính phủ và các công ty khởi nghiệp sẽ tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến thảm họa, nỗ lực tăng cường năng lực phòng chống thiên tai kết hợp cả tự lực và hỗ trợ lẫn nhau, sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ, đồng thời tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai.

Tin cùng chuyên mục