Hướng đến nền công nghiệp carbon thấp

Ngày nay, vấn đề năng lượng là thách thức lớn trong quá trình phát triển của Việt Nam. Nhu cầu năng lượng tăng mỗi năm 13% trong 10 năm qua và theo dự báo sẽ tiếp tục tăng trung bình mỗi năm 12% trong thập kỷ tới. 
Để đảm bảo an ninh năng lượng phát triển đất nước, thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến tầm quan trọng chiến lược của chính sách phát triển các loại năng lượng tái tạo, qua việc xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng tổng thế giai đoạn 2011-2020 nhằm mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 5,6% tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 9,4% vào năm 2030. Nhiều ý kiến cho rằng, xu thế về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên thế giới đã làm giá thành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng cạnh tranh hơn. Những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ cũng dẫn đến cơ hội có thể khai thác được các nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả.

Theo tiến sĩ Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Việt Nam phải đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng carbon thấp. Đây là một trong những định hướng quan trọng của ngành năng lượng trong nhiều năm tới. Dự báo của Liên hiệp quốc, lượng năng lượng hóa thạch đã xác định chỉ đủ dùng trong khoảng 41 năm đối với dầu mỏ, 64 năm đối với khí thiên nhiên và 251 năm đối với than. Như vậy, ngay trong thế kỷ này, chúng ta phải tìm nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ và khí thiên nhiên.

Theo Viện Năng lượng Việt Nam, Bộ Công thương cần có chiến lược sử dụng hỗn hợp năng lượng tái tạo và không tái tạo, bảo đảm mục tiêu an ninh năng luợng quốc gia và phát triển bền vững. Sau đó, sẽ tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cung cấp điện năng và nhiệt năng, từng bước giảm dần phát thải carbon. Đối với việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch phải đổi mới công nghệ, chuyển hẳn sang công nghệ than sạch với mục tiêu giảm phát thải carbon bằng 0. Đây là việc cần làm ngay, vì trong thế kỷ 21, nguồn điện năng chủ yếu của Việt Nam sẽ dựa vào nhiệt điện than.

Tiến sĩ Đỗ Hữu Hào cho biết thêm, xét về lợi ích toàn cầu, phát triển ngành năng lượng carbon thấp ở Việt Nam sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu. Về lợi ích quốc gia, việc phát triển carbon thấp sẽ giúp tiết kiệm được đầu vào năng lượng, tăng hiệu suất sử dụng, giảm nhập khẩu năng lượng sau năm 2015, đồng thời giảm nhập siêu cho đất nước. Phát triển năng lượng carbon thấp sẽ tạo ra sự phát triển mới cho nhiều địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa; cơ hội để thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp nguồn điện ổn định, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Có thể nói, thời cơ phát triển năng lượng tái tạo đã thực sự đến với Việt Nam. Tuy nhiên, để tăng nhanh tỷ trọng nguồn điện này, Việt Nam cần giải quyết được một số nút thắt cơ bản. Trong đó, phải kể đến nhân lực có trình độ chuyên môn, các nguồn vốn có chi phí và lãi suất hấp dẫn. Quan trọng hơn, cần phải có cái nhìn đúng hơn về năng lượng tái tạo, từ đó sẽ là cơ sở thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục