Hướng đến một “xã hội 24 giờ”

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã xây dựng, hoàn thiện Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ)”. Đề án sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong quý 1 năm 2020.
Khu phố Tây TPHCM kinh doanh ăn uống nhộn nhịp thâu đêm, thu hút nhiều du khách
Khu phố Tây TPHCM kinh doanh ăn uống nhộn nhịp thâu đêm, thu hút nhiều du khách

Với khái niệm KTBĐ được hiểu là các hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, Việt Nam thực sự hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao. Những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, song mức chi tiêu trung bình vẫn còn khá thấp - bình quân mỗi ngày khoảng 96 USD trong khi du khách tại Bangkok (Thái Lan) chi tiêu mỗi ngày khoảng 173 USD. Dư địa để khai thác khách du lịch ở Việt Nam và phát triển KTBĐ, do đó, được coi là rất lớn. 

Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển KTBĐ. Tạp chí Global Finance (Tài chính toàn cầu) mới đây đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019, theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia (trên Thái Lan). 

KTBĐ đã hình thành ở Việt Nam từ nhiều năm nay và được đánh giá là cơ hội mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và có khoảng 1.000/2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM; góp phần gia tăng thu ngân sách nhà nước cho các tỉnh/thành phố có hoạt động giải trí và mua sắm sôi động. Tuy nhiên, các hoạt động KTBĐ nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu và đặc biệt còn mang tính “chộp giật”. KTBĐ cũng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn. 

Trong khi không thể phủ nhận đóng góp và tiềm năng phát triển của KTBĐ, không khó để thấy rằng, về mặt xã hội, phát triển KTBĐ cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Đối với Việt Nam, KTBĐ đặt ra yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương, kiểm soát các vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải; rủi ro phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó còn là áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu như: xử lý chất thải, cung cấp điện, nước…, giám sát các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa. Trên thực tế, TPHCM là địa phương có KTBĐ được đánh giá nhộn nhịp nhất trong cả nước, song các hoạt động KTBĐ ở nhiều tuyến phố vẫn chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản và còn ít hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức chuyên nghiệp như chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện…

Nhận định rằng phát triển KTBĐ là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động..., nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp quan trọng, mà giải pháp hàng đầu là đổi mới phương thức quản lý nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của KTBĐ. 

Là địa phương đã phát triển và có tiềm năng phát triển mạnh hơn nữa KTBĐ, TPHCM được khuyến nghị xây dựng các chương trình/kế hoạch phát triển KTBĐ với sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố tác động cả tích cực và tiêu cực. Đồng thời, trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, chính quyền TP cần nghiên cứu quy hoạch những khu vực, địa điểm có khả năng phát triển KTBĐ để có cơ sở triển khai trong tương lai. TPHCM cũng cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động KTBĐ lành mạnh ở địa phương; xây dựng “Cẩm nang hướng dẫn về phát triển KTBĐ” để hướng dẫn các nhà quản lý ở địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên có liên quan tham gia hoạt động; định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ngành du lịch, quản lý thị trường… Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn. 

Hướng đến một “xã hội 24 giờ”, không địa phương nào phù hợp hơn TPHCM trong vị trí tiên phong.

Tin cùng chuyên mục