Hướng đến lòng nhân ái

Bên cạnh việc cung cấp kiến thức, rèn kỹ năng sống, nhiều trường phổ thông hiện nay còn chú trọng tổ chức các hoạt động cộng đồng, hướng học sinh đến các giá trị chân, thiện, mỹ, giàu lòng nhân ái, chia sẻ. Không chỉ lồng ghép trong bộ môn giáo dục công dân, học sinh còn học cách trở thành người có ích thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm. 

Niềm vui ngày chủ nhật 

Cuối tuần qua, học sinh hai lớp 11A3 và 12A1, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) đã có một ngày chủ nhật đáng nhớ với trải nghiệm làm đầu bếp, chuẩn bị 150 phần cơm cho người lớn tuổi và trẻ em tại một ngôi chùa ở quận Bình Tân. Trước đó, đêm giao thừa tết dương lịch, thời khắc nhà nhà sum họp chào đón năm mới thì 1 nhóm học sinh lớp 11A2 đã tổ chức đi phát quà cho người già, người có hoàn cảnh khó khăn mưu sinh dọc các tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố. 

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) tham gia “Tuần lễ hoạt động cộng đồng”
Chia sẻ về những việc đã làm, một thành viên lớp 12A8 bày tỏ: “Học cách cho đi không phải vì chúng em đã có quá nhiều mà bởi vì những việc làm nhỏ của chúng em có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác”. Học sinh này cho biết, tất cả hoạt động nhân ái các em tham gia đều được nhà trường ghi nhận. Thực hiện 5 hành vi nhân ái, học sinh sẽ được 10 điểm bài kiểm tra 1 tiết môn giáo dục công dân. Tương tự, 10 hành vi nhân ái sẽ được tặng chứng nhận “Học sinh có hành vi nhân ái”, đồng thời được biểu dương trước toàn trường. Sau khi học sinh tốt nghiệp, nhà trường sẽ cấp một giấy chứng nhận học sinh đã tham gia hoạt động cộng đồng. 


Giải thích về quy định này, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, cho biết, nhằm giáo dục học sinh có lòng nhân ái, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh, nhà trường đã phát động phong trào “Mỗi ngày thực hiện một hành động nhân ái”. Tùy theo điều kiện và khả năng của mình, mỗi học sinh có thể chọn một trong số các hoạt động như đến thăm các mái ấm tình thương, chăm sóc các cụ già neo đơn, tặng lương thực và nhu yếu phẩm cho người lang thang cơ nhỡ… 

Cũng với mục đích đó, mới đây, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) đã tổ chức “Tuần lễ hoạt động cộng đồng” với nhiều hoạt động như tổ chức cho học sinh vẽ trang trí nón lá, đan giỏ, làm chậu đất nung, gói và nấu bánh chưng, thêu khẩu trang vải, may sản phẩm thủ công để bán, gây quỹ từ thiện tặng người già và trẻ em tại các mái ấm, nhà mở. Ngoài ra, tùy vào sở thích và năng khiếu, học sinh có thể tham gia làm đẹp cảnh quan trường thông qua các hoạt động như sơn chậu cây, trang trí ghế đá, trang trí thư viện, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ phục vụ cộng đồng... Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết, bắt đầu từ năm học này, sau mỗi kỳ kiểm tra cuối học kỳ, học sinh toàn trường sẽ được tạo điều kiện tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều ý nghĩa, thông qua đó giáo dục các em lối sống yêu thương, biết chia sẻ, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. 

Gia đình, nhà trường cùng chung tay

Còn nhớ tại lễ tri ân và trưởng thành dành cho học sinh khối 12, Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5) hồi giữa tháng 7-2020, trong thư dặn dò gửi học sinh, các giáo viên đã gửi gắm thông điệp: “Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh vĩ nhân thay đổi thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường. Các em hãy nhớ lấy điều này để không bị áp lực bởi bản thân. Để không đặt ra những điều to lớn mà bỏ qua những khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm”. Ai trong chúng ta cũng từng nghĩ sai, làm sai, từng nghĩ tới những từ “giá như”, “nếu như”, “ước gì”, “biết thế thì”… Chính những cái sai đó dạy ta về cái đúng. Cái sai giúp ta lớn lên, trưởng thành và điềm tĩnh hơn. Vậy cho nên đừng dằn vặt nếu mình đã làm sai mà hãy học cách nhìn thẳng vào nó, chấp nhận nó và vượt lên nó. Hãy nhớ, tuổi trẻ có thể sai để được trưởng thành. Ngoài ra, thông điệp còn nhắn nhủ học sinh hãy xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhất, vì những cái nhỏ sẽ tích lũy theo năm tháng và tạo nên những cái lớn hơn. Hãy là một người bình thường nhưng là một người bình thường tử tế. 

Trước đó, cô giáo Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (quận 7) từng gây bão mạng với bức “tâm thư” gửi học sinh cũng với nội dung mong các em trở thành những người bình thường tử tế. Giáo viên này chia sẻ, bản thân cô nhìn thấy nhiều người xung quanh đuổi theo những điều to tát, bị cuốn vào nhiều thứ, vội vàng, gấp gáp mà quên trân trọng những điều bình thường đẹp đẽ trong cuộc sống. Giáo viên này nhắn gửi đến học sinh: “Kỳ tích không tự nhiên xuất hiện, nó là phần nổi của tảng băng trôi mà phần chìm là bao nỗ lực, khó khăn, bao thất bại, sai lầm ta phải trả, cho một thành công nào đó”. 

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, dạy học sinh trở thành người bình thường tử tế có khó không? Câu trả lời được ông Đỗ Minh Hoàng khẳng định là rất khó. Bởi nếu dạy chữ đòi hỏi các thầy, cô vất vả một phần thì rèn nhân cách tốt cho học sinh đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn gấp bội. Nhưng chỉ cần nhà trường và gia đình cùng chung tay cố gắng, những chồi non tương lai của đất nước sẽ trở thành những người tử tế, sống có ích cho cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục