Hướng dẫn F0 cách ly tại nhà

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 - người mắc Covid-19 (phiên bản 1.6). Nội dung hướng dẫn F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà cần tuân thủ các biện pháp cách ly; tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe; sử dụng thuốc điều trị Covid-19 theo quy định.
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đảm bảo đầy đủ vật dụng thiết yếu

Theo Sở Y tế TPHCM, F0 cách ly tại nhà cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết (nhiệt kế, thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp); khẩu trang y tế; dung dịch nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi; vật dụng cá nhân; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Chuẩn bị thuốc điều trị tại nhà gồm: thuốc điều trị Covid-19 tại nhà do cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà cấp phát; thuốc điều trị bệnh nền. Khi gặp khó khăn, liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn từ xa; tự theo dõi sức khỏe và không tự ý rời khỏi phòng trong suốt thời gian cách ly. Trường hợp cần giúp đỡ thì người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc.

F0 hoặc người chăm sóc cần báo ngay cho cơ sở đang quản lý người mắc Covid-19 tại nhà nếu có một trong các dấu hiệu khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường; huyết áp thấp; đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức; tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân; không thể uống; trẻ sốt trên 380C, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 96%, ăn bú kém.

Khi F0 cách ly tại nhà có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà xử trí cấp cứu cho người bệnh, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh phường - xã - thị trấn, quận huyện, TP Thủ Đức để được hỗ trợ cấp cứu và chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Dấu hiệu chuyển nặng: đối với người lớn, khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 94%; đối với trẻ em, thở nhanh theo tuổi (1-5 tuổi ≥ 40 lần/phút, 5-12 tuổi ≥ 30 lần/phút, > 12 tuổi ≥ 20 lần/phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95%.

Sử dụng thuốc hợp lý 

Sở Y tế TPHCM cho biết, các thuốc điều trị tại nhà gồm 3 gói (A, B, C). Gói thuốc A dùng trong 7 ngày (Paracetamol 500mg, uống 1 viên khi sốt trên 38,50C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt; các loại vitamin). Thuốc này được cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà cấp ngay cho F0 khi tiếp nhận thông tin.

Gói thuốc B (Dexamethasone 0,5mg, uống 1 lần 12 viên, Methylprednisolone 16mg, uống 1 lần/1 viên; Rivaroxaban 10mg, uống 1 lần/1 viên hoặc Apixaban 2,5mg, uống 1 lần/1 viên hoặc Dabigatran 220mg, uống 1 lần/1 viên). Thuốc chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế. 

Người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện.

Gói thuốc C dùng trong 5 ngày (Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg, uống ngày 2 lần, sáng 800mg, chiều 800mg, uống 5 ngày liên tục). Đây là thuốc kháng virus được chỉ định đối với trường hợp F0 triệu chứng nhẹ, thuốc được Bộ Y tế cung cấp trong Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát.

Tin cùng chuyên mục