Hun đúc lửa nghề y

Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay (27-2-1955 - 27-2-2022) diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường. 

Suốt hơn 2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, các y, bác sĩ và nhân viên y tế không chỉ là những “thiên thần áo trắng” mà phải gọi họ là những anh hùng trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô vàn vất vả, căng thẳng và hiểm nguy. Dù biết rằng có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nhưng các y, bác sĩ ở khắp mọi miền đất nước cho tới các bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế trường y, dược vẫn không quản ngại khó khăn và nguy hiểm, dũng cảm xung phong vào tâm dịch, ngày đêm tận tâm, tận lực cống hiến, đóng góp sức lực, trí tuệ đẩy lùi dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Người làm nghề y được mọi người trân trọng gọi là Thầy thuốc và thực tiễn cho thấy trong đời sống không có một nghề nào lại đặc biệt như nghề y khi mọi hành động, công việc, cử chỉ nhỏ nhất cũng liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người khác. Vì thế, từ lâu đời, xã hội đã coi nghề y là một nghề quan trọng, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai giống nòi, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một dân tộc và toàn xã hội. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến ngành y tế và luôn dành cho người Thầy thuốc những tình cảm tốt đẹp nhất. Trong bức thư gửi cán bộ ngành y tế vào ngày 27-2-1955, Bác đã căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong 67 năm qua, đội ngũ Thầy thuốc ở khắp mọi miền đất nước đã khắc phục mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu, nâng cao chuyên môn, y đức, phát huy tinh thần năng động sáng tạo, xả thân cống hiến đem lại nhiều kết quả to lớn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, qua hơn 2 năm đương đầu với dịch Covid-19, hình ảnh người Thầy thuốc càng làm sâu đậm hơn tinh thần và mối quan hệ nhân văn cao cả giữa ngành y với người bệnh, qua đó mang lại niềm tin to lớn cho nhân dân, cũng như khẳng định chân lý càng khó khăn, càng gian thử thách thì càng đoàn kết vững mạnh để vượt qua.

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển của ngành y tế đã có rất nhiều tấm gương sáng cho chúng ta học tập cả về chuyên môn lẫn y đức, như: GS-BS Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Chung, Đặng Thùy Trâm, VS-TS Dương Quang Trung… và còn biết bao nhiêu Thầy thuốc khác trong hàng ngũ những anh hùng áo trắng đã nêu gương sáng cho đời mà chúng ta không thể kể hết được. Dịch Covid-19 suốt thời gian qua cũng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với tất cả y, bác sĩ, nhân viên y tế nhưng cũng là dịp để chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, xung kích, xả thân của người Thầy thuốc.

Dịch bệnh đã khiến rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế phải gác lại mọi nỗi niềm riêng tư, phải xa gia đình hàng tháng trời để đối mặt với hiểm nguy, trong khi sức khỏe, tinh thần bị ảnh hưởng, thu nhập bị sụt giảm nhưng tất cả đều không quản ngại vượt qua khó khăn, thử thách đó để mang lại sức khỏe, bình an cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương sáng, chúng ta không thể không trăn trở, không đau lòng trước một số bộ phận cán bộ, nhân viên y tế có thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau, sự khốn khó của người bệnh, những người đặt đồng tiền cao hơn sinh mạng, sức khỏe của người khác. Đây là những nguy cơ không thể xem thường đang làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y.

Để ngọn lửa nghề y sáng mãi soi rọi cho các thế hệ sau tiếp bước, Đảng, Nhà nước cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành y tế. Trong đó cần sớm xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, đặc thù cho lực lượng y tế ở tất cả các tuyến, các lĩnh vực, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Đồng thời cần thực hiện các chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực y tế để cho sinh viên y khoa cũng như các y, bác sĩ trẻ không chỉ giỏi về chuyên môn, sâu sắc về y đức mà còn bản lĩnh hơn, có sức đề kháng vững vàng hơn trước những cạm bẫy tiêu cực trong xã hội.

Hơn thế nữa, cần có cơ chế đặc thù để nhân viên y tế sẵn sàng về công tác tại tuyến y tế cơ sở, nơi tuyến đầu, làm nhiệm vụ “gác cổng”, nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, là tuyến gần dân nhất có nhiệm vụ quản lý sức khỏe và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Song song đó, cần có chính sách định hướng để các bác sĩ lựa chọn con đường thực hành đa khoa (bác sĩ gia đình) thay vì chuyên khoa như hiện nay để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đặc biệt, ngành y tế phải đẩy mạnh và làm có thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có ý nghĩa căn bản, lâu dài đối với sự phát triển bền vững của ngành, trong đó chú trọng phát huy vai trò gương mẫu trong mọi mặt của cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu.

Tin cùng chuyên mục