Hứa hẹn nhiều thay đổi trên thị trường hàng không

Ngay những ngày đầu năm 2019, thị trường hàng không (HK) Việt Nam liên tiếp có tin vui: hãng HK tư nhân thứ hai của Việt Nam chính thức được cấp giấy phép bay và sân bay tư nhân đầu tiên cũng đi vào hoạt động.

Những động thái mới này dự báo sẽ làm thay đổi cục diện cạnh tranh của thị trường HK Việt. Liệu người tiêu dùng sẽ được hưởng những lợi ích gì khi thị trường đã có 5 hãng HK nội địa cùng khai thác?

Hứa hẹn nhiều thay đổi trên thị trường hàng không ảnh 1 Vietjet Air bị hành khách phản ứng vì siết quy định hành lý xách tay và thường xuyên trễ chuyến. Ảnh: HIẾU NGHĨA
 Cơ hội giảm giá vé

Phải chờ đến 7 năm sau khi Vietjet đi vào hoạt động, thị trường HK Việt Nam mới được đón nhận hãng HK tư nhân thứ hai: Bamboo Airways. Còn nhớ, khi Vietjet bắt đầu cất cánh vào cuối năm 2011, thị trường HK Việt gần như sang một trang mới, thế độc quyền bị phá vỡ. Từ một loại phương tiện đắt đỏ và sang chảnh, HK đã trở nên thông dụng, cơ hội đi máy bay rộng cửa với tất cả người dân nhờ giá vé chỉ còn bằng hoặc thấp hơn giá vé của tàu hỏa, ô tô có cùng hành trình. Có điều, nhu cầu đi lại bằng đường HK tiếp tục tăng mạnh mà thị trường vẫn chỉ có 4 nhà khai thác khiến các hãng không còn đầu tư nhiều cho việc chăm sóc quyền lợi của hành khách. 

Vietjet ban đầu chỉ tập trung vào phân khúc giá rẻ nay đã tuyên bố không còn theo đuổi mục tiêu này nữa. Và thế là, vào một số thời điểm, Vietjet không còn rẻ nữa. Giá vé máy bay cùng chặng của hãng đã bằng, thậm chí còn cao hơn Vietnam Airlines khiến nhiều người tiêu dùng ngỡ ngàng. Hãng Jestar Pacific vẫn tập trung vào phân khúc giá rẻ nhưng do quy mô nhỏ nên hầu như không tác động nhiều đến thị trường. Kết quả là, người tiêu dùng Việt Nam hầu như có rất ít lựa chọn cho các chuyến bay nội địa. Cho đến mới đây, Bamboo Airways công bố kế hoạch bay, thị trường mới có thêm một luồng gió mới. Người tiêu dùng đã có thêm một lựa chọn với mức giá rất cạnh tranh. Ví  dụ, bay Hà Nội - Đà Nẵng chỉ 1,25 triệu đồng/vé khứ hồi; Hà Nội - Quy Nhơn chỉ 1,45 triệu đồng/vé khứ hồi, đã bao gồm đủ thuế phí và có thêm suất ăn miễn phí.

Theo các chuyên gia HK, việc có thêm một hãng bay chắc chắn sẽ làm thị trường sôi động, tạo cơ hội giảm giá vé hơn nữa vì giá vé máy bay nói chung, nhất là vé bay nội địa ở nước ta đang ở mức khá cao so với các nước khác. Hiện các quốc gia trong khu vực đều có nhiều hãng nội địa tham gia thị trường, ví dụ, Thái Lan có 13 hãng, Indonesia 15 hãng, Malaysia 6 hãng… Là quốc gia đông dân hơn nhưng Việt Nam đến nay mới có 5 hãng. Con số này chưa đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân và khách du lịch trong lựa chọn đường bay, chuyến bay, chưa tạo được sự cạnh tranh cần thiết về giá vé và chất lượng dịch vụ HK. Cho đến thời điểm này, giá tour nội địa nhiều khi vẫn đắt hơn giá tour quốc tế với cùng khoảng cách bay và độ dài tour (ví dụ tour đi Thái Lan, Hàn Quốc), trong đó có nguyên nhân giá vé máy bay cao.

Chất lượng dịch vụ có tăng?

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tính cạnh tranh của thị trường càng cao thì chất lượng dịch vụ sẽ càng tốt hơn, vì dần loại bỏ được sự áp đặt từ phía nhà vận chuyển. Thực tế cũng cho thấy, nhiều hãng HK đã tăng tiện ích cho khách bằng nhiều dịch vụ như đưa đón sân bay, thanh toán trực tuyến, ký gửi hành lý ngay trong thành phố, bán vé máy bay kèm khách sạn... Tuy nhiên, do thị trường tăng trưởng quá nhanh, thời gian gần đây, chất lượng dịch vụ của một số hãng đã đi xuống. Hầu hết các hãng đều bị hành khách phàn nàn về ứng xử của nhân viên. 

Đặc biệt, nhiều hành khách bức xúc vì thái độ “cửa trên” của hãng, đòi hỏi khách phải tuân thủ tuyệt đối giờ giấc, quy định, trong khi hãng liên tục vi phạm, chỉ phục vụ chiếu lệ, không xin lỗi, không đền bù, không cung cấp thông tin về chuyến bay theo quy định mỗi khi xảy ra chậm, hủy chuyến... Mới đây, Vietjet, Jestar Pacific cũng bị hành khách phản ứng mạnh khi đột ngột siết chặt quy định về trọng lượng hành lý xách tay sau một thời gian dài cho phép linh hoạt.

Đại diện các hãng HK cho biết, sự quá tải, chen chúc tại các sân bay lớn Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã khiến cho dịch vụ của các hãng bị ảnh hưởng. Ngoài Vietnam Airlines có lợi thế hơn do có cổ phần với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các hãng khác hoàn toàn bị phụ thuộc và gặp bất lợi khi hạ tầng bị quá tải, ví dụ ít khi được sử dụng ống lồng, chỗ đậu máy bay xa… Khi sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác, đại diện các hãng HK đều tin tưởng sẽ được phục vụ công bằng. Điều này cũng giải thích vì sao một số hãng HK tư nhân muốn đầu tư vào cảng, ví dụ Vietjet Air đề xuất đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, FLC muốn đầu tư vào sân bay Sa Pa. Theo các hãng HK, đầu tư vào hạ tầng cảng sẽ góp phần giảm thiểu chi phí hoạt động trong tương lai, mang lại dịch vụ đồng bộ, thuận tiện cho hành khách.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc có thêm hãng HK và sân bay tư nhân đi vào hoạt động chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến thị trường, người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng cao nhờ có cạnh tranh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, Bộ GTVT sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của hãng bay và sân bay mới cũng như giám sát chặt chẽ trong giai đoạn đầu. Ông Thể cũng khẳng định, Bộ GTVT sẽ tăng cường quản lý để thị trường HK phát triển lành mạnh, không vì tăng trưởng mà lơ là chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách. Hãng nào vi phạm các quy định hiện hành sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Tin cùng chuyên mục