Hợp tác phát triển kinh tế xanh

Ngày 28-11, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2022. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Ưu tiên “tài chính xanh”

Thông tin tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, tuy diễn biến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều khó khăn như lạm phát tăng, khủng hoảng năng lượng, lương thực… nhưng Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 3%, mức tăng trưởng năm nay duy trì khoảng 8%, cân bằng thu chi, cán cân thương mại đảm bảo xuất siêu.... Hiện quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD và đang phấn đấu cao hơn nữa.

Khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về phát triển kinh tế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện Việt Nam nằm trong tốp 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, cùng với phát triển kinh tế thì chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh là rất cấp thiết. Theo Thủ tướng, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh không phải là công việc của một quốc gia, mà là công việc toàn cầu, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc, nên kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương. Cùng với đó, đây là vấn đề có tác động toàn dân nên cần có sự hợp tác toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã cùng 150 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ; cùng hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng các nước G7 xây dựng cam kết công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng… Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng thực hiện nhiệm vụ như một nước phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhưng phải đảm vai trò quốc tế như một nước giàu có. Do vậy, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là tổ chức tài chính thế giới dành cho Việt Nam nguồn vốn, tài chính “xanh” với lãi suất thấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi công nghệ sản xuất, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, cải thiện năng lực quản trị… để có thể phát triển ngang bằng với doanh nghiệp thế giới.

Những tấm pano vân đá tái chế từ nhựa thải của Công ty Plastic People được khách tham quan quan tâm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Để không bị loại khỏi cuộc chơi Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế.

Còn theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, tại thị trường châu Âu, tiêu chuẩn Xanh đã tác động tiêu cực đến khoảng 12 ngành nông sản Việt Nam. “Luật xanh” mới mà EU ban hành ngày 10-11 đã buộc 50.000 doanh nghiệp châu Âu phải thực hiện báo cáo bền vững cho cả hệ sinh thái chuỗi cung ứng hàng hóa. Quy định này đã gián tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam do nằm trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng của doanh nghiệp châu Âu. Do vậy, nếu doanh nghiệp trong nước không nhanh chân chuyển đổi sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xanh thì nguy cơ bị loại khỏi thị trường xuất khẩu là khó tránh khỏi.

Nêu cam kết tại diễn đàn, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, sẽ đồng hành cùng Việt Nam để kêu gọi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp châu Âu tham gia đầu tư vào lĩnh vực xanh của Việt Nam, dành những khoản tài chính xanh nhất định để hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

Ông Virginijus Sinkevičius, Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp, nhấn mạnh: “EU mong muốn hợp tác với Việt Nam tham gia các họạt động chống biến đổi khí hậu, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, giảm rác thải nhựa, tái chế rác thải thành năng lượng sạch. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu mong muốn cùng Việt Nam xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, thực hành nông nghiệp xanh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Riêng với ngành logictics, những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, trang thiết bị máy móc, điện thoại…, doanh nghiệp EU mong muốn tham gia giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm thiểu phát thải trong hoạt động sản xuất”.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM: TPHCM thực hiện mục tiêu phát triển bền vững


TPHCM đã xác định 3 vấn đề rõ ràng để theo đuổi tiến trình phục hồi xanh.

Một là, tích cực tham gia vào các xu thế lớn của thế giới như xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...; phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức....

Hợp tác phát triển kinh tế xanh ảnh 3 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn

Hai là, ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội theo xu hướng phục hồi xanh.

Ba là, xây dựng và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

TPHCM mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào thành phố theo các định hướng phát triển nêu trên, thành phố cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

* Sáng cùng ngày, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany và lãnh đạo cấp cao các tập đoàn hàng đầu châu Âu; tiếp Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan Liesje Schreinemacher; tiếp Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius đang tham dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022.

* Ông Ketut Kusut, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tài chính WB cho biết, theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam của WB mới đây, ước tính giá trị hiện tại của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Với nguồn vốn lớn như vậy, nếu chỉ tính riêng thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu này. Bởi vậy, cần có sự kết hợp đồng bộ của các nguồn lực công - tư và các nguồn vốn ưu đãi... để tạo điều kiện về mặt kỹ thuật và tài chính cho lộ trình phát triển mới.

Cung cấp thông tin tại diễn đàn, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN). Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến ngày 31-10, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 477.500 tỷ đồng (chiếm 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,78% so với năm 2021. Hạn chế và khó khăn trong cấp tín dụng cho các dự án xanh hiện nay là Việt Nam chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục