Hợp tác bảo vệ di sản

Cánh đồng chum ở Xiêng Khoảng, Lào là một di sản nổi tiếng thế giới. Nhưng có một điều ít người biết đến là điểm hút khách du lịch này phải đối mặt hàng loạt các mối đe dọa từ tự nhiên như cháy rừng, lở đất, lũ lụt, thực vật xâm lấn do con người gây ra như trộm cắp, phá hoại.
Cánh đồng chum ở Xiêng Khoảng, Lào
Cánh đồng chum ở Xiêng Khoảng, Lào

Dù ý thức được những nguy hiểm nêu trên, nhưng phải đến đầu năm nay, một kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai toàn diện để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại cho cánh đồng chum mới được đưa ra. Theo tạp chí The Diplomat, khi nỗ lực bảo vệ di sản đã mang lại những thành quả ban đầu, cánh đồng chum có thể xem một minh chứng sống động trong việc bảo vệ các di sản thế giới dựa trên sự hợp tác giữa chính phủ, chuyên gia quốc tế và nhất là các thế hệ những người dân sống ở gần những di sản thế giới.

Vẫn còn rất nhiều bí ẩn về nền văn minh “sinh” ra cánh đồng chum với hơn 2.100 chum đá khổng lồ được cho là dùng trong các hoạt động tang lễ ở thời kỳ đồ sắt. Để làm ra những chiếc chum rồi di chuyển chúng từ mỏ đá đến địa điểm tổ chức tang lễ đòi hỏi kỹ thuật cao. Ngoài ra, còn có bằng chứng khảo cổ quan trọng liên quan đến văn hóa vật chất của nền văn minh cổ đại đầy giá trị. Vì những giá trị vô giá như vậy, địa điểm này được Ủy ban Di sản thế giới đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào tháng 7-2019. Sau khi ghi danh, Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa ra 11 khuyến nghị cho Chính phủ Lào, trong đó có phát triển và thực hiện các chiến lược giảm thiểu thiệt hại cho cánh đồng chum gồm chương trình xây dựng năng lực, cải thiện tính chính xác và lập bản đồ chi tiết di sản.

Theo những khuyến nghị đó, hội thảo đầu tiên về quản lý rủi ro cho di sản cánh đồng chum đã diễn ra vào tháng trước với sự tham gia của các cơ quan hữu quan từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, thôn. Hội thảo diễn ra vào đúng thời điểm tồn tại một số đe dọa đến cánh đồng chum, trong đó có vụ hỏa hoạn gần đây tại “Địa điểm số 1” ở Phoneavanh, nơi thu hút được nhiều du khách tham quan nhất. Tại hội thảo, Văn phòng UNESCO ở Bangkok, Thái Lan cho biết cơ quan này đã bắt đầu dự án đầu tiên tại cánh đồng chum vào năm 1998 với mục tiêu bảo vệ khu vực này kết hợp với mục tiêu chống lại nghèo đói và khuyến khích du lịch để giảm nghèo cùng quản lý tài nguyên bền vững. Những nỗ lực đó được tiếp nối bằng việc theo dõi khả năng phục hồi của di sản văn hóa và đa dạng sinh học tại cánh đồng chum. Sau khi đánh giá khả năng của Lào, UNESCO tiếp tục mở rộng hỗ trợ kỹ thuật để giúp quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị đề cử cánh đồng chum là ứng viên của di sản thế giới.

Một điểm vô cùng quan trọng giúp cánh đồng chum chính trở thành di sản thế giới là sự tham gia giúp sức của người dân sống xung quanh 11 địa điểm còn tồn tại những chiếc chum đá. Khoun Vilaylieng, một người dân sống gần “Địa điểm 42”, cho biết anh cùng nhiều người cùng làng đến vệ sinh những chiếc chum hàng tháng và giờ họ có thể nhớ nằm lòng vị trí của những chiếc chum này. Hiện các chuyên gia quốc tế và cơ quan chức năng của Lào đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với người dân nơi đây bởi họ chính là những người bảo vệ những giá trị truyền thống, giữ gìn một di sản cho thế giới.

Tin cùng chuyên mục