Hợp sức bảo vệ an ninh mạng

Tại Việt Nam, nhiều mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan nhà nước đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng xuất phát từ một số nước trong khu vực và trên thế giới, không ngừng gia tăng về cả cường độ và mức nguy hiểm. 

Đầu năm 2019, Cục An toàn thông tin đã đưa dự báo 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 trên không gian mạng Việt Nam, đó là: tấn công mạng (đặc biệt là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo); tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng (mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng); tấn công vào hạ tầng, thiết bị IoT, đô thị thông minh; tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu; giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ, nói xấu và phát tán thông tin độc hại trên mạng.

Trong Chương trình diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin theo vùng khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2019 do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Sở TT-TT Đà Nẵng tổ chức, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng, cho biết thời gian qua, Đà Nẵng triển khai thành công nhiều ứng dụng thành phố thông minh trên các lĩnh vực. Việc triển khai thành phố thông minh đặt ra những yêu cầu cao, phức tạp hơn trong công tác bảo đảm an toàn, an minh mạng.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, Sở TT-TT Đà Nẵng phát hiện và ngăn chặn 27.867 lượt tấn công vào hệ thống mạng thành phố, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, cùng với việc bảo đảm an toàn thông tin ở cấp độ 4, TP Đà Nẵng triển khai xây dựng kiến trúc chi tiết an toàn, an ninh thông tin chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

Thống kê của Công ty An ninh mạng Bkav cho biết, năm 2018 thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên mức kỷ lục, 14.900 tỷ đồng, tương đương 642 triệu USD, nhiều hơn 21% so với mức thiệt hại của năm 2017.

Đáng chú ý, trong năm 2018, có hơn 60% cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị nhiễm mã độc đào tiền ảo, gây mất an ninh thông tin. Ngoài việc làm chậm máy, mã độc đào tiền ảo còn có khả năng cập nhật và tải thêm các mã độc khác nhằm xóa dữ liệu, ăn cắp thông tin cá nhân, hay thậm chí thực hiện tấn công có chủ đích.

Riêng 3 tháng đầu năm 2019, các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab đã nhận thấy những mối đe dọa mạng tinh vi, bị ảnh hưởng bởi địa chính trị liên tiếp diễn ra, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á. Các mối đe dọa chủ yếu liên quan đến tiền điện tử và phần mềm gián điệp (đã được thương mại hóa), cũng như các cuộc tấn công vào những chuỗi cung ứng chính. 

Cùng với Việt Nam phòng chống tấn công mạng, từ tháng 1-2019, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam (NCSC) và Kaspersky Lab đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm đưa ra các giải pháp cho những thách thức về an ninh thông tin trong nước, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực bảo mật mạng của Chính phủ Việt Nam.

“Thay vì phân chia trách nhiệm và dựa vào năng lực của từng cá nhân, tổ chức để chống lại tội phạm mạng, chúng ta có thể cùng nhau hợp sức bảo vệ an ninh mạng. Chúng tôi nhận thức rằng, sự tin tưởng này phải được xây dựng dựa trên sự hợp tác, tính minh bạch và trách nhiệm giữa các tổ chức doanh nghiệp. Kaspersky Lab sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cùng nhau chống lại tội phạm an ninh mạng”, ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky Lab khu vực Đông Nam Á, nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục