Hồng Tân và Xuân Mậu Thân 1968

Ngoài nhà văn Nguyễn Thi, có hai cây bút quê Nam bộ cùng hy sinh một nơi, một lúc ngay tại quê hương vào Xuân Mậu Thân 1968. 
Đó là nhà thơ Lê Anh Xuân và nhà lý luận phê bình Hồng Tân. Tuy nhiên, trong khi Lê Anh Xuân được nhắc tới nhiều thì người đồng đội, đồng nghiệp thân thiết trẻ hơn là Hồng Tân, người Sài Gòn, hầu như ít được biết đến.

1. Lần đầu tiên tôi nghe tới cái tên nhà lý luận phê bình Hồng Tân là do nhà văn Lê Văn Thảo lúc sinh thời nhắc cùng nhà thơ Lê Anh Xuân. Cả ba ông đã tham gia cùng một nơi, một lúc trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Lê Văn Thảo là người trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của Lê Anh Xuân và Hồng Tân tại một cánh đồng gần quốc lộ 4 vùng ven đô Sài Gòn, nay thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Nhà văn Lê Văn Thảo kể rằng, trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông và nhà thơ Viễn Phương được phân công rời chiến khu xuống cùng đi với đoàn do một cán bộ Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định dẫn đầu, tiến vào cửa ngõ phía Nam thành phố… Tuy nhiên, trước tình hình hết sức ác liệt, nhiều tổn thất sau đợt 1 Tết Mậu Thân, nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với các văn nghệ sĩ nếu liều lĩnh, nên nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã điện về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đề nghị tạm thời không xuống chiến trường... 
Ấy thế nhưng, một ngày sau bức điện của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, giao liên lại đưa đến cho ông bức thư nhỏ của nhà thơ Lê Anh Xuân: “Em và Hồng Tân đã xuống tới, hiện đang ở trạm cuối. Xin các anh cho người qua đón tụi em”. Mặc dù được thư trả lời, khuyên quay trở về ngay biên giới Ba Thu vì tình hình rất nguy nan, căn cứ ở chiến trường tạm bợ dễ bị lộ, nhưng Lê Anh Xuân và Hồng Tân kiên quyết xin ở lại tham gia một thời gian ngắn để có tư liệu viết về cuộc tổng tiến công lịch sử! “Tụi nó ham chiến trường quá! Thôi thì cho nó đi thử lửa một phen”. Đó là sự nhượng bộ của nhà văn Nguyễn Văn Bổng cùng các nhà văn có trách nhiệm trước “yêu sách” của Lê Anh Xuân và Hồng Tân, mà sinh thời Viễn Phương nhớ lại trong bài ký Chuyến đi cuối cùng của Lê Anh Xuân. 
2. Một lần nhà văn Lê Văn Thảo và tôi ra Đà Nẵng, được nhà thơ Thanh Quế đưa đi thăm thú Ngũ Hành Sơn. Trong câu chuyện của hai bậc đàn anh về thời chiến tranh cũng có nhắc tới Lê Anh Xuân và Hồng Tân với nỗi thương tiếc khôn nguôi. Nhà thơ Thanh Quế cho hay, ông có viết bài Hồng Tân - nhà phê bình văn học trẻ tuổi, trong đó kể lại những kỷ niệm mà ông biết về người con Sài Gòn tài hoa bạc mệnh.
Là học sinh miền Nam tập kết trên đất Bắc, Hồng Tân vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, học Khoa Văn học Việt Nam hiện đại, cùng lớp với những người bạn mà về sau đều trở thành những nhà văn tên tuổi như Chu Cẩm Phong, Ngô Thảo, Nguyễn Trung Thu… Năm 1963, khi Thanh Quế mới vào học năm thứ nhất Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì Hồng Tân đã học Khoa Văn năm thứ tư. Qua cầu nối của Ngô Thế Oanh, Thanh Quế đã làm quen rồi chơi thân với Chu Cẩm Phong, Hồng Tân và tiếp đó là Prékimalamak - Trần Vĩnh… Trong lúc đó, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân đã là giảng viên dạy sử của trường. 
Người gầy thấp, mái tóc xoăn, Hồng Tân rất say mê đọc sách và khi gặp nhau có sách hay ông đều chuyền cho Thanh Quế và bạn bè đọc. Thời sinh viên, Hồng Tân đã viết phê bình sách và có một số bài viết về các tập thơ của Khương Hữu Dụng, Ca Lê Hiến… được đăng báo. Theo nhà thơ Thanh Quế, nhà phê bình Hồng Tân sớm thể hiện năng khiếu phê bình văn học và có những ý kiến chính xác, mang tính dự cảm. 
Chẳng hạn, đối với người bạn dân tộc Châu Ro là Prékimalamak - Trần Vĩnh, lúc ấy đã có những bài thơ như Viết tên Người, Hồ Chí Minh khá nổi tiếng, Hồng Tân cho rằng Prékimalamak sáng tác những bài thơ có tầm vóc nhưng thiếu những bài thơ mang cảm hứng đời thường nên sẽ dễ bị đứt mạch. Thời gian cho thấy điều đó hoàn toàn đúng. Mãi gần đây, khi tuổi đã cao, Prékimalamak mới xuất bản tập thơ đầu tiên Hát đi em được Hội Nhà văn TPHCM trao giải thưởng năm 2014. Còn với nhà thơ kỳ cựu Khương Hữu Dụng, trong bài phê bình tập thơ Những tiếng thân yêu, Hồng Tân phát hiện sự kết hợp giữa chất cổ phong Hán học và Tây học, đồng thời dự đoán khi tuổi càng cao thì nhà thơ họ Khương sẽ càng trẻ hóa nhờ cái chất xúc cảm thi sĩ lấn át, trùm lên cái chất lý trí chính trị trước đây của ông. Điều này cũng không sai! Đối với bậc đàn anh đồng hương Nam bộ thân thiết là Ca Lê Hiến, Hồng Tân cũng có những cảm quan chính xác. Nhà thơ Thanh Quế cho biết: “Khi viết về tập thơ Tiếng gà gáy của Ca Lê Hiến, Hồng Tân đã nắm được cái “thần” yêu quê hương đắm đuối của Hiến và tiên đoán rằng, khi đi chiến trường, về quê hương, Hiến sẽ phát triển thơ mình trên cái mạch này và sẽ có những bài thơ chín hơn về tư tưởng và nghệ thuật”. Những sáng tác sau khi trở về quê hương Nam bộ của tác giả Dáng đứng Việt Nam đã minh chứng cho nhận định của Hồng Tân.
3. Một thời gian sau khi nhà thơ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân vào chiến trường Nam bộ, nhà phê bình Hồng Tân cũng đã rời Hà Nội lên đường trở về quê hương chiến đấu và thực hiện hoài bão giới thiệu văn học cách mạng miền Nam đến với bạn đọc miền Bắc. Thế nhưng, cuộc chiến tranh ác liệt không cho ông kịp thực hiện khát vọng của mình. Hồng Tân cùng Lê Anh Xuân đã xung phong nơi tuyến đầu và ngã xuống giữa lúc tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, mọi dự định còn dang dở. Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong không khí lạnh cuối năm, nhà thơ Prékimalamak - Trần Vĩnh bùi ngùi nhớ về hai người bạn thân Ca Lê Hiến và Hồng Tân. Ông bảo rằng, lúc còn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhóm các bạn văn người miền Nam coi nhau như anh em ruột. Ca Lê Hiến lớn tuổi hơn, sớm nổi tiếng về thơ, được mọi người quý trọng. Hồng Tân đọc nhiều, cho thấy khả năng thẩm định của một nhà phê bình văn học triển vọng. Những nhà văn đi trước cũng rất quý Hồng Tân. Tiếc rằng, Hồng Tân cùng với những bạn văn như Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa, Ca Lê Hiến, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý… đã bị chiến tranh cướp mất khi còn trẻ, hứa hẹn sẽ có nhiều cống hiến cho văn học nước nhà.

Tin cùng chuyên mục