Hồng Công khó thu hút vốn đầu tư

Mong muốn trở thành trung tâm kinh doanh xanh và bền vững, nhưng Đặc khu hành chính Hồng Công đang gặp trở ngại vì khó thu hút vốn đầu tư, nhân lực, do kiên trì áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Hồng Công vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt
Hồng Công vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt

Kể từ đầu năm 2021, Hồng Công đã tuân theo chiến lược chống Covid-19 của Trung Quốc, thực hiện các quy tắc cách ly cũng như giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Đặc khu này không ghi nhận ca nhiễm nào trong nhiều tháng, cho đến khi xuất hiện biến thể Omicron vào cuối tháng 12-2021. Hiện giới chức Hồng Công vẫn áp đặt một số biện pháp hạn chế, như lệnh cấm bay đối với hành khách đến từ 9 quốc gia (bao gồm cả Mỹ, Vương quốc Anh và Australia) được áp dụng cho đến ngày 20-4. Ngoài ra, còn có quy định cách ly kéo dài và tốn kém, hạn chế tiếp cận các dịch vụ công cộng và nguy cơ các gia đình bị chia tách nếu một thành viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Các quỹ đầu tư vào Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) ngày càng trở nên phổ biến khi tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon trên toàn cầu tăng tốc. Theo báo cáo của Liên minh đầu tư bền vững toàn cầu, đầu tư vào ESG, hay đầu tư bền vững, đã vượt 35.300 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Hồng Công đã tăng cường nỗ lực để trở thành khu vực đi đầu về tiêu chí đầu tư ESG, bao gồm việc thành lập các nhóm làm việc với các quan chức chính phủ và các công ty toàn cầu để phát triển đội ngũ nhân tài tại địa phương.

Tháng 10 năm ngoái, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Hồng Công (HKMA) Edmond Lau đã coi việc củng cố vị thế của Hồng Công như một trung tâm tài chính xanh và bền vững trong khu vực là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế để ngăn dịch Covid-19 lây lan đang cản trở mục tiêu này. Bà Mary Huen, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Hồng Công (HKAB) kiêm Giám đốc điều hành của Standard Chartered, cho biết, nhiều ngân hàng không thể bổ sung nguồn nhân lực do họ không thể vào Hồng Công nếu không có giấy kiểm dịch. Theo bà Huen, đợt bùng phát dịch gần đây đã ảnh hưởng đến kế hoạch tái bố trí nhân viên của một số ngân hàng. Hồng Công đã buộc phải hoãn ra mắt trái phiếu xanh bán lẻ đầu tiên trị giá 6 tỷ HKD (768 triệu USD) khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Một phần khiến sự suy giảm đầu tư theo tiêu chí ESG tại Hồng Công trở nên trầm trọng hơn là do việc nới lỏng các biện pháp hạn chế ở Singapore - cũng là một trung tâm tài chính và ESG trong khu vực. Singapore đang lựa chọn một cách tiếp cận cân bằng hơn để sống chung với dịch Covid-19. Ngân hàng Trung ương Singapore đã thiết lập một chương trình đầu tư xanh trị giá 2 tỷ USD vào năm 2019 và khuyến khích các nhà quản lý tài sản củng cố các nhóm ESG địa phương.

Bên cạnh đó, Hồng Công còn đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám ngày càng gia tăng, khi nhân tài đang di chuyển ra khỏi thành phố do cách tiếp cận “Zero - Covid”. Nhiều chuyên viên cấp cao tại các công ty lớn đã rời khỏi Hồng Công để đến Singapore, Anh và Australia. Cơ quan Di trú Hồng Công cho biết, trong 17 ngày đầu tiên của tháng 2-2022, gần 37.000 người đã rời Hồng Công, so với hơn 15.000 người trong cả tháng 1. Lĩnh vực ngân hàng và kế toán của đặc khu này đang thiếu nhân viên nghiêm trọng, trong khi việc tuyển dụng nhân viên công nghệ thông tin ngày càng khó khăn.

Tin cùng chuyên mục