Hồng Công đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên toàn thế giới. Không nằm ngoài xu hướng chung, chính quyền đặc khu hành chính Hồng Công đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên con đường phục hồi kinh tế và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Lớp học ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học Bách khoa Hồng Công
Lớp học ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học Bách khoa Hồng Công

Xét về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu, từ vị trí thứ 8 năm 2019, Hồng Công vượt lên đứng thứ 5 trong năm 2020 và dự kiến tiếp tục thăng hạng trong năm 2021. Thuận lợi của Hồng Công nằm ở việc có đội ngũ chuyên gia công nghệ kỹ thuật số đáp ứng được các yêu cầu: có kiến thức công nghệ, tinh thần sẵn sàng khai thác chuyển đổi kỹ thuật số cho tương lai. 

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đề xuất kế hoạch phát triển cho “Đô thị phía Bắc”. Trong kế hoạch này, có nhiều công trình đường sắt được xây dựng; như tuyến đường sắt phía Tây nối cầu Hồng Thủy với Tiền Hải, tuyến Northern Link kết nối Công viên đổi mới và công nghệ ở khu Lok Ma Chau Loop đến Huanggang ở Thâm Quyến, tuyến Northern Link nối Luohu, Man Kam To và Kutung, sẽ kết nối với hầu hết các khu vực phát triển ở phía Bắc Tân Giới với Thâm Quyến.

Đầu năm 2021, chính quyền Hồng Công đã công bố “Kế hoạch chi tiết thành phố thông minh Hồng Công phiên bản 2.0”, đề xuất hơn 130 biện pháp xây dựng thành phố thông minh. Trong kế hoạch này có thêm một chương mới là “Sử dụng công nghệ tiên tiến để đối phó với dịch bệnh”, bao gồm một số biện pháp để giúp người dân đối phó với dịch bệnh trong tình trạng “bình thường mới”.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng kỹ thuật số, các kỹ năng tương lai của học sinh và người dân cũng được chính quyền Hồng Công chọn là mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch đầu tư dài hạn. Trên thực tế, dịch bệnh đã khiến hơn 1 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu không được đến trường, gây ra những tổn thất về học tập và ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến tương lai phát triển lâu dài. Các trường học ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đã thúc đẩy thêm nhiều dự án giáo dục mới, thông qua mô hình học song song trực tuyến lẫn ngoại tuyến, đồng thời mang đến những đổi mới cho ngành giáo dục truyền thống.

Theo cuộc khảo sát do hãng Microsoft thực hiện tại Đại học Sư phạm Hồng Công, hơn 65% hiệu trưởng các trường tiểu học và trung học cho rằng dạy học trực tuyến có thể nâng cao tính sáng tạo trong giảng dạy, nhiều hiệu trưởng cũng cho rằng dạy học trực tuyến có thể nâng cao tính chủ động trong học tập của học sinh.

Mô hình học tập “song hành” không chỉ có thể tăng tính linh hoạt của học sinh trong lớp học, mà còn tận dụng tốt công nghệ, nâng cao hiệu quả học tập, thậm chí giảm chi phí giáo dục về lâu dài. Mô hình này đang được khuyến khích mở rộng tại Hồng Công.

Ngoài tài chính, giáo dục, cơ sở hạ tầng, chính quyền Hong Kong đã rót thêm vốn vào Quỹ đổi mới xã hội, đồng thời khởi động các dự án như Quỹ sinh hoạt đổi mới và công nghệ; vì vậy các tổ chức xã hội, như doanh nghiệp xã hội, quỹ từ thiện... đều phải bắt kịp với thời đại, đẩy nhanh tiến trình kỹ thuật số của mình.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế truyền thống của Hồng Công, nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới để Hồng Công thúc đẩy phát triển thành phố thông minh thế hệ mới, tạo thêm nhiều động lực mới cho tương lai nơi này.

Theo nhận định của Viện Quản lý phát triển quốc tế (IMD), trong thế giới hậu Covid-19, nền kinh tế Hồng Công sẽ phục hồi nhanh vì có nền tài chính công hùng mạnh, nhưng về cơ bản là nhờ khả năng cạnh tranh kỹ thuật số, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế trong doanh nghiệp, chính phủ và xã hội.

Tin cùng chuyên mục