Hồn Việt trong nhà vườn

Không gian kiến trúc những ngôi nhà vườn truyền thống ở cố đô Huế không chỉ mang dáng vẻ quý tộc, mà còn có màu sắc dân gian truyền thống. Ở nơi ấy, nếp nhà của người Việt Nam vẫn được gìn giữ và truyền qua các thế hệ, góp phần tạo nên sức sống bền bỉ cho nền văn hóa dân tộc.
Nhà vườn của nhà nghiên cứu Phan Thuận An trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP Huế
Nhà vườn của nhà nghiên cứu Phan Thuận An trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP Huế

Nơi dạy con cháu ứng xử làm người

Dừng xe bên đường Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế, đẩy cánh cửa gỗ khép hờ, bước chân vào một không gian nhà vườn truyền thống xứ Huế và gặp chủ nhân ngôi nhà là ông Phạm Bá Vinh, cháu nội quan Thượng thư Phạm Bá Phổ dưới triều Khải Định. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng ông Vinh vẫn mãi vấn vương hoài niệm quá khứ vàng son của gia tộc. Ông sắm sửa vật liệu và dành 3 năm trời miệt mài cùng những người thợ phục chế thành công ngôi nhà vườn của ông cha từng bị chiến tranh tàn phá.

Ông Phạm Bá Vinh cười thật hiền, nhẹ nhàng mời chào khách, rồi giới thiệu tiểu sử ngôi nhà. Ông kể rằng, ngôi làng Kim Long soi bóng dòng sông Hương từng nổi tiếng là nơi có nhiều cô gái đẹp xứ Huế được các vua nhà Nguyễn tuyển chọn vào cung. Và cũng địa danh gần Chùa Thiên Mụ này từng được biết đến với sự kiện năm 1636, khi chúa thượng Nguyễn Phúc Lan cho dời thủ phủ từ Phước Yên về Kim Long và xây dựng thành một “đô thị lớn”. Đây là lần đầu tiên một đô thị của người Việt được xây dựng bên bờ sông Hương với hệ thống nhà vườn gồm: vườn nhà, vườn chùa, vườn lăng, vườn phủ đệ… 

Hồn Việt trong nhà vườn ảnh 1 Ông Phạm Bá Vinh giới thiệu về những vật dụng trong gian thờ nhà vườn truyền thống Huế
Từ phòng khách có tấm gương soi để chỉnh đốn y phục, ông Vinh dẫn chúng tôi đi và dừng lại ở ngôi nhà thờ làm bằng gỗ, kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái. Đến bộ tràng kỷ chính giữa nhà, ông Vinh không ngồi mà đứng rót nước mời khách một cách khép nép. Tôi lanh chanh mời ông cứ ngồi tự nhiên để câu chuyện được thoải mái, ông cảm ơn và nhỏ nhẹ: “Dạ, đây là nhà thờ ông nội tôi. Chỉ có cụ, các bậc ngang hàng cụ, các vị khách quý mới được ngồi ở bộ ghế này. Tôi là phận con cháu, chỉ được phép như vầy thôi”…

Ngoài việc chỉ ra sự tính toán hợp lý, khoa học của người xưa khi làm kèo, làm cột dựng nhà rường để vừa mềm mại, vừa chắc chắn; hay không xây tường bao mà chỉ sử dụng hệ thống cửa gỗ để đón gió mát ngày hè, che buốt rét mùa đông…, ông Vinh còn giải thích cặn kẽ ý nghĩa lối kiến trúc đến các vật dụng trong ngôi nhà. Chẳng hạn như nhà thờ, cửa thì thấp mà ngạch lại cao. Ấy là để khi bước vào, buộc người ta phải cao chân, cúi đầu, nhắc nhở ngay đây là nơi thờ tự tôn nghiêm. Trong nhà thờ, có 2 phòng ngủ bố trí ở phía sau chái bên trái và phải, có ngạch cửa rất cao.

Ông Vinh nhớ lại một kỷ niệm vui, dạo người em gái của ông ở xa về, được ưu ái bố trí cho nghỉ ở căn phòng phía bên trái ngôi nhà. Buổi sáng ngủ dậy, cô em hấp tấp chạy ra, vấp phải ngạch cửa đau chết điếng. Cô oai oái, nhà cửa thiết kế kiểu chi mà kỳ lạ. Ông chỉnh ngay: “Đó là do cô. Nên nhớ đây là nhà thờ. Cái ngạch cửa phòng nó cao như vậy là để nhắc nhở khi ngủ dậy phải sửa sang trang phục rồi mới được bước ra”. Ông Vinh còn giới thiệu những ống điếu, ống nhổ, cho đến chiếc bình vôi để ăn trầu và còn để trừ muỗi, hay kịp dùng cho ai vô ý đạp phải mảnh chai chảy máu.

Theo hành lang có mái che, xuống nhà sinh hoạt cũng là một căn nhà 3 gian 2 chái, nhưng ngạch cửa thấp, dễ đi lại; gian giữa đặt bộ trường kỷ chắc chắn; ông Vinh ngồi xuống cùng tôi và nói: “Ở đây thì tôi ngồi được. Bộ này ưa ngồi nghiêng, ngồi ngửa chi cũng được nên phải chắc. Bộ trường kỷ trên nhà thờ khá mảnh mai là để nhắc người ngồi phải nghiêm trang, có mỏi thì có chồng gối dựa tay chứ không thể tùy tiện nghiêng ngửa.

Xưa trường học còn hiếm, nhà nào cũng tam tứ đại đồng đường, ngôi nhà này được làm là để cho con cháu ở gần với ông, với cha, hầu mong được các bậc ấy dạy cho cái chữ và cả dạy đạo làm người. Đó chính là nếp nhà, mà bây giờ gọi là văn hóa gia đình. Nền nếp gia đình là phải có trên, có dưới, có già, có trẻ, phải ứng xử theo phong cách trọng già, quý trẻ, chấp hành tục lệ như khi bề trên nói, thì bề dưới phải lắng nghe. Có điều gì chưa phù hợp thì từ tốn đưa ra ý kiến trao đổi để đi tới hòa đồng. Vậy nên người xưa mới có câu: “Nhà phải có gia phong” là lẽ đó”.

Lan tỏa bản sắc văn hóa

Không chỉ gìn giữ và trao truyền nếp nhà truyền thống Việt Nam, đằng sau cánh cổng và bờ tường thâm nghiêm cổ kính của mỗi khu nhà vườn lớn nhỏ khác nhau còn là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, thể hiện sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất, tất cả bổ sung cho nhau để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho rằng: “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến Huế”.

Hồn Việt trong nhà vườn ảnh 2 Nhà vườn của ông Hồ Văn Hưng ở làng cổ Phước Tích
Trong khi, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì cho rằng: “Nhà vườn Huế là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau”. Ở một khía cạnh khác, nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhìn nhận: “Nhà vườn Huế là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đó là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc, trong đó có đạo lý truyền thống gia đình. Nhìn cảnh quan một nhà vườn, người ta có thể nhận ra tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giờ đây những ngôi nhà vườn ở Huế và vùng phụ cận không chỉ là những chốn bình yên, mà còn là những địa chỉ văn hóa của đất cố đô. Khi đến đây, mỗi người có thể cảm nhận được một thế giới khác, sâu lắng và bình lặng hơn. Đó là nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người, nông thôn và thành thị, là nơi lắng lại để trở về với quá khứ.

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng VH-TT TP Huế, cho biết hiện TP Huế còn khoảng hơn 4.000 nhà vườn có diện tích từ 600 - 1.500m2 trở lên, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu được đưa vào danh sách bảo tồn đặc biệt. Đề án “Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đã và đang được UBND TP Huế triển khai thực hiện nhằm đạt mục tiêu có từ 25% - 40% nhà vườn Huế đặc trưng được trùng tu trong giai đoạn 2015 - 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.

TP Huế còn kêu gọi một số doanh nghiệp lớn đầu tư khai thác để phát huy giá trị nhà vườn, đồng thời tiến hành các thủ tục hỗ trợ phát triển sản phẩm hàng lưu niệm về nhà rường Huế làm mặt hàng lưu niệm đặc trưng; hình thành và phát triển các tour du lịch gắn với nhà vườn; hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của nhà vườn.

Tin cùng chuyên mục