Hồn quê trong phố mới

Tôi vẫn nghĩ về Thủ Đức như một chốn bình yên. Ở đó, có ngôi nhà của bạn tôi với cửa sổ hướng ra khu vườn xanh mát. Ở đó có những dãy trọ nhỏ nhắc về những ngày khó khăn, chỉ một nhành cây khô gắn sắc hồng hoa đào cũng mang bao yêu thương để con cái đón tết nghèo xa xứ.

 Ở đó, nếu có một chiều thảnh thơi, tôi sẽ muốn tìm về, bên một bến nước, khúc sông, một đầm sen, như tìm về chốn bình yên mà bất kỳ người sống ở phố xá nào cũng có lúc mong về.

1. Vào những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chú mự (*) tôi, những người bà con bên nội rủ nhau vào làm công nhân ở Linh Trung, Thủ Đức. Chú vừa học vừa làm nghề mộc, mự làm công nhân may. Trước đó là chuỗi tháng ngày cơ cực mưu sinh trên mảnh đất cằn miền Trung. Mùa hè gió Lào nắng cháy da, mùa thu bão lũ quét không còn thứ gì, mùa đông mưa dầm gió bấc… Bọn trẻ quê đi học cũng trầy trật vì đường đất, nắng thì bụi bay mù mịt, mưa lại trơn trượt. Vào Thủ Đức làm công nhân là bước đổi đời.

Đi rồi mới biết, làm công nhân không hẳn là giấc mơ đẹp. Có những cái tết, tôi ghé vội thăm nhà chú mự trước khi về quê, bất ngờ gặp một cành đào (thực chất là cành cây khô) gắn đầy những cánh hoa đào tự tay mự và em gái cắt, gắn cành trang trí. “Lương công nhân ở miền Nam chơi mai đã khó, huống chi lại chơi đào. Nhớ đào thì tự cắt lấy mà làm cho đỡ nhớ thôi”. Tôi cay sè mắt khi nghe mự chia sẻ điều ấy. Lại có tết nhà buồn hiu hắt khi công ty làm ăn eo sèo, quà tết chỉ bột ngọt, bánh chưng, nước mắm… 

Nhưng sau tất cả, chú mự tôi cùng nhau vượt khó, những đứa con theo bố mẹ vào khu công nhân như các em họ tôi quả thực đổi đời, đi học đại học, dựng vợ gả chồng, có nhà cửa, dù là chung cư nhà ở xã hội bé xíu, đi làm công ty… trái hẳn hình ảnh lem nhem bên đàn gà, ruộng đồng tôi vẫn nhớ về chúng dạo còn thơ bé. Là họ, những người công nhân ở Thủ Đức khiến tôi thấy lòng mình vui chi lạ khi có một thành phố mới đầy yêu thương, bao dung mà họ từng gửi gắm mong đợi về một miền đất hứa, giờ đã hình thành. 

2. Tôi vẫn nhớ rõ những con đường ở quanh khu công nhân chú tôi ở. Ở đó   có khá nhiều khu vực mà đi đâu cũng gặp người quê mình. Bạn tôi, dân Bình Định, lại cứ phải tìm ra Thủ Đức để đến một quán bún cá ăn chuẩn vị quê, và thật lạ, bạn khẳng định đi đâu cũng gặp dân xứ Nẫu. Tới mức, như một phản xạ, nếu ra khu Linh Trung, vào một quán bánh mướt, cháo lươn sẽ không có cảm giác ngại ngần là quán này nấu theo kiểu gì, có đúng kiểu quê mình hay không, vì biết chắc sẽ gặp ít nhiều vị quê ở đó. Ra đường đi loanh quanh lạc cũng sẽ mở lời bằng giọng quê chứ không đổi thứ giọng nào khác để hỏi đường và yên tâm người nghe vẫn hiểu. 

Tôi thích nhất vào dịp tết, về Linh Trung sẽ ăn cá nục kho mật mía xứ Nghệ mự nấu kiểu chân quê. Chỉ mấy ngày lễ tết, mự mới không bận tăng ca mà có thời gian làm món này, vì phải kho thật lâu, thật kỹ thì cá mới béo ngậy, thơm bùi, rục mềm ngon tận xương. Món ấy, ăn với bánh chưng Bắc của mấy anh hàng xóm nhớ quê cùng góp nhau nhóm lửa nấu lên, không hiểu sao có cảm giác không hề ngán ngậy, ngon hơn đủ loại chả giò, chả quế đặc sản. Vừa ăn miếng cá săn chắc mà mềm rục xương, vừa hít hà vị tiêu, vị sả thơm phức, cảm giác như có cơn mưa phùn mùa xuân mới ngang qua ngõ nhỏ. Đi ngang ngõ nhỏ ấy, còn nghe bà hàng xóm giọng quê nặng nặng đầy ân tình gọi vào uống “nác” (nước) chè xanh, cho mấy đứa nhỏ chiếc bánh mật nấu đúng y như bánh mật ngày xưa tôi bé vẫn ngồi chống mắt cố thức đợi bà làm cúng giao thừa. Bánh bà làm cúng bao giờ cũng cố ý để dư ra 2 - 3 cái cho cháu. Và chỉ cần có thế, mới thấy bớt cồn cào, thấy lòng mình dịu lại với những ngày tết tha hương ở nơi nắng chang chang, cúc mai vàng rực rỡ. 

Và những con đường quanh khu Thủ Đức, thích nhất là không khí từ Noel đến tết dương lịch, qua những ngày cận tết âm lịch, quần áo, khăn mũ các kiểu bày bán rực rỡ đủ màu sắc. Nhộn nhịp công nhân rủ nhau sắm tết từ rất sớm. Kiểu sắm tết của người ít tiền, đầy háo hức, có khi lội bộ suốt buổi ra phố chỉ để mua cái khăn cái áo về cất dành để đó, tháng sau có lương lại xuống phố mua thêm cái quần, đôi dép… 

Niềm vui kết từ những điều hết mực đơn sơ như thế. Nhìn người mẹ trẻ có lẽ đã xa con khá lâu cầm lên đặt xuống tấm áo tấm quần, trả giá kỳ kèo bớt một bớt hai trong tiếng nhạc xuân rộn rã luôn khiến tôi thấy lòng mình đằm lại…

3. Nói về thành phố Thủ Đức, sẽ là ấn tượng thật đẹp về những khu vườn, những khoảng xanh mênh mông. Là khoảng thoáng đãng thoảng mùi cỏ dại của đồng cỏ, nơi những bầy trâu vẫn có thể thư thái gặm cỏ trên những bãi đất trống còn hoang sơ ven đường Võ Chí Công. Là những khu vườn nhỏ xíu ở Thạnh Mỹ Lợi vẫn còn sót lại bên những ngôi nhà mới xây, nở xen lẫn bí bầu, dong riềng, chuối cau như giữ hồn quê giữa phố mà sau mỗi buổi học thêm của con gái, hai mẹ con tôi vẫn thường dạo quanh ngắm nhìn không chán mắt, nhất là vào những mùa ong bướm lượn bay. Là bát ngát những đầm sen bên khu Tam Đa khiến người qua đường phải chạy chầm chậm lại một tí để níu giữ hương sen cho đầy trong lồng ngực. Là vườn cò Tư Đề, giữa bốn bề bát ngát cây xanh tựa một góc miền Tây nào đó, nơi đám bạn tôi vẫn hẹn nhau mỗi khi muốn ôn lại kỷ niệm, để cùng nhau ăn một bữa cơm hương đồng cỏ nội, còn bịn rịn mùi khói rơm, trong tiếng xào xạc lá và thấy lòng bình yên chi lạ khi nhìn theo bầy cò vỗ cánh dập dìu bay trong ráng chiều trên sông Tắc.

Người phương xa đến thành phố Thủ Đức, không ít người ngạc nhiên khi ở phố vẫn nhiều nhà giữ được vườn đến thế. Cậu bạn ở miền Trung lần đầu vào phương Nam, ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh một bà cụ tóc sương gội đầu dưới bóng cây trong một khoảnh vườn nhỏ trước nhà. Ngạc nhiên là vì những hình ảnh như thế gần như thất truyền ở các thành phố phát triển.

Không ít nhà ở Thủ Đức vẫn giữ được vườn trong phố, dù là khoảng đất nho nhỏ thôi, vì con, vì cháu. Và rồi, đám con cháu lớn lên cũng vì yêu thương cha mẹ mà gìn giữ. Bạn tôi kể, vợ chồng bạn lấy nhau, ở trọ, tích cóp tiền mãi mới mua được chung cư. Cha mẹ xót con, muốn bán bớt phần vườn. Bạn tôi dứt khoát không chịu, nói bán chi, bán là mất chốn về nương náu. Đơn giản vì mảnh vườn ấy gắn bó với ông bà cả đời rồi, cả tuổi thơ bạn lớn lên ở đó. Mảnh vườn nhỏ bé ấy, ông bà từng khai hoang, trồng trọt từ tuổi đôi mươi, đến giờ đã ngoài 60 vẫn luống đậu, luống mồng tơi, rau thơm, vài gốc dừa, gốc bằng lăng ở đó. Dưới gốc bằng lăng bên lối dẫn vào nhà kia là nơi cha tập cho chị em bạn những bước đi đầu tiên, đạp những vòng xe đạp đầu tiên… Bán đi thì đám cây cối đã mang bao yêu thương không còn nơi trú ngụ. 

Rồi năm ngoái, cha bạn đi xa, lúc này bạn mới thấy mảnh vườn nhỏ chứa bao giá trị. Ngồi dưới vòm bằng lăng trổ hoa tím, nhớ cha từng trồng cây này ngày mẹ vào viện sinh con gái, nhớ niềm vui của cha khi thấy con gái cũng thích loài hoa tím giống mình… Chính là khu vườn nhỏ xíu xiu ấy, là nơi vợ chồng bạn dắt con cái về ngồi cùng mẹ nướng vài món ăn cuối tuần để bà quên đi sự hiu quạnh tuổi già, là nơi bạn ngồi lặng im nhớ tới kỷ niệm về cha để những bóng nắng, bóng cây an ủi nhắc thấy cha vẫn thật gần đâu đó quanh đây. Chỉ những ai đó lớn lên trong một mảnh vườn mới hiểu được vườn không chỉ là mảnh đất luống cây, mà đó còn là mảnh hồn mình.

4. Hôm trước, tôi tham gia chấm giải cuộc thi “Khoảnh khắc tôi đã sống” của các bé trong một cụm trường học tổ chức. Tôi lặng đi một lúc khi chọn khoảnh khắc cánh diều bay lên no gió, có ánh mắt đầy niềm vui của cô nhỏ tuổi lên 5 bên người cậu của mình. Họ đứng bên bờ kênh nước lớn, những rặng dừa nước đu đưa. Xa xa là khu chung cư mới ở Thủ Đức... 

Thành phố Thủ Đức, rồi sẽ phát triển hơn, nhộn nhịp hơn theo quy luật phát triển chung từ xưa tới nay. Rồi nay mai, chưa chắc sẽ còn nhiều vườn trong phố, cánh diều, đàn trâu, hoa sen bát ngát, vườn cò rồi có thể thu hẹp lại. Nhưng phố bình yên ơi, vẫn mong phố xá có nhộn nhịp đến đâu cũng sẽ không bị mất đi những nét riêng ấy, để những kẻ lãng mạn vẫn có một nơi chốn yêu thương mỗi khi nghĩ về.

(*) Mự: cách gọi thím (vợ của chú) như trong miền Nam

Tin cùng chuyên mục