Hơn cả lời tri ân

Thế giới bàng hoàng, âu lo trước sự lây lan của virus Corona chủng mới nguy hiểm gây ra dịch Covid-19. Trong vòng chưa đến 3 tháng, con virus nguy hiểm này đã lan rộng từ Trung Quốc sang 40 quốc gia khác, với hơn 80.000 người nhiễm, hơn 2.700 người tử vong. Nguy hiểm còn ở chỗ là người ta chưa tìm ra thuốc đặc hiệu chữa trị và ít nhất phải hơn 1 năm nữa mới có vaccine phòng tránh, còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng thời điểm này chưa phải là đỉnh dịch. Trong sự âu lo đó, những y bác sĩ đã và đang lao vào dịch còn hơn những chiến binh dũng cảm. Binh chủng khoác áo blouse trắng đang là những người lính tuyến đầu.

Sự ra đi của bác sĩ nhãn khoa người Trung Quốc Lý Văn Lượng, Bệnh viện (BV) Trung ương Vũ Hán, đã là tiếng kẻng đánh thức nhân loại về sự lây lan nguy hiểm của virus này. Tiếp đó là sự ngã xuống do lây nhiễm chéo của một loạt bác sĩ, như bác sĩ Lưu Trí Minh, Giám đốc BV Vũ Xương (Vũ Hán); Giáo sư Lin Zhengbin với hơn 30 năm kinh nghiệm ghép thận của BV Tongji (Vũ Hán); nữ bác sĩ tiêu hóa 29 tuổi Hạ Tư Tư của BV Giang Bắc Hiệp Hòa; bác sĩ trẻ Peng Yinhua của BV Nhân dân số 1 Giang Hạ lỡ lời hẹn ước kết hôn vì khoác áo chống dịch…

Đó là chưa kể đến còn hơn 4.000 nhân viên y tế của Trung Quốc nhiễm virus vì bị lây từ người bệnh. Và hàng ngàn y bác sĩ khác vẫn ngày đêm mặc bộ đồ bảo hộ, cắt đi mái tóc dài, đóng bỉm, hạn chế ăn uống, xa rời vòng tay con trẻ… để chiến đấu cùng người bệnh, trong những khu vực cách ly. Lời thề Hippocrates đã gắn hơi thở của họ với chiếc áo trắng, chiến đấu đến phút cuối cùng bên giường bệnh.

Đó là chuyện thế giới, nhưng ở Việt Nam cũng không có ngoại lệ. Toàn hệ thống chính quyền các cấp đã và đang vào cuộc phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần quyết liệt, nhưng không hoang mang. Đội ngũ áo blouse trắng có mặt mọi lúc, mọi nơi “nóng” nhất của dịch bệnh: xuất hiện trong bộ đồ bảo hộ khi phát hiện người nghi nhiễm để đưa họ về khu cách ly; vệ sinh, khử trùng khu vực người nghi nhiễm từng sống; rà soát, đo thân nhiệt từng người nhập cảnh; tư vấn giải thích cho các trường hợp nghi nhiễm; tuyên truyền cách phòng bệnh cho người dân…

Nhiều người phải rời xa gia đình, tự cách ly để “sống chung” với virus, tìm nguồn gien, tìm bộ kit thử nghiệm nhanh, tìm phương pháp chữa trị, vaccine phòng chống virus. Mỗi nghiên cứu, công bố mới về dịch bệnh từ các nhà khoa học, từ các bác sĩ đã trở thành “thông tin vàng” đối với xã hội. Hơn bất kỳ lúc nào, phát hiện mới về chống dịch Covid-19 đang được cả thế giới trông chờ.

Ngành y tế Việt Nam đang trên đà phát triển, công tác kiểm soát dịch bệnh luôn được chú trọng và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao khi khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm những năm gần đây.

Hai cha con người Trung Quốc nhiễm Covid-19 sau khi được chữa khỏi bệnh đã cảm kích y bác sĩ Việt Nam, ví như  họ được sinh ra lần thứ 2. Tuy nhiên, dù đã được đầu tư mạnh những năm qua, hệ thống y tế cả nước vẫn thiếu thốn trầm trọng - từ nguồn nhân lực đến thiết bị y tế; bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, thiếu giường nằm điều trị, thiếu máy móc chẩn đoán, thiếu vật tư y tế…

Nhiều bác sĩ ra trường về vùng sâu công tác vẫn bó tay vì cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Trong khi đó, môi trường xung quanh chứa nhiều mầm bệnh, người dân chưa ý thức cao về phòng tránh bệnh nên không chỉ đến lúc dịch Covid-19 rộ lên mà ngay cả việc điều trị các loại bệnh khác cũng đều gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, dù là thành phố đi đầu cả nước về nhiều mặt, nhưng đối diện với Covid-19, các đồng chí lãnh đạo TPHCM yêu cầu hết sức cẩn trọng: “Chỉ một bất cẩn trong phòng dịch có thể dẫn đến những hậu quả lớn. Với việc mất nhiều nhân lực để chữa trị và mất 20 ngày cho một ca bệnh, khi vượt quá 1.000 bệnh nhân, mọi chuyện sẽ khó kiểm soát”. Điều này cho thấy sự thận trọng, tầm nhìn xa và là cơ sở định hướng để hệ thống y tế tập trung nhân - vật lực trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Cuộc chiến sẽ kéo dài, còn gây mất mát nhiều về con người, thiệt hại lớn cho các nền kinh tế. Xã hội luôn đặt niềm tin chiến thắng dịch bệnh vào đội ngũ y bác sĩ, những người mang nghiệp giữ gìn, chăm sóc sức khỏe người dân, những người đang đứng tuyến đầu, chịu hiểm nguy, tổn thất trước nhất vì cộng đồng.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, những bệnh nhân, những người khỏe mạnh đang mang khẩu trang phòng dịch, xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các bác sĩ, nhân viên y tế đã và đang ngày đêm chống chọi với dịch bệnh, nhằm giữ gìn sức khỏe, sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người.

Tin cùng chuyên mục