Hơn cả chuyện cổ tích

Hơn 30 năm, ông bà đã nuôi dạy khoảng 600 đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn nên người bằng chính công sức, tiền bạc của mình. Đó là một hành trình khó có thể hình dung, tưởng tượng được khi mới bắt đầu. Từ “Tổ bán báo Xa mẹ” đến “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”, gia đình ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh đã làm nên câu chuyện hơn cả cổ tích thời hiện đại đầy lòng nhân ái, bao dung…

Từ sự đồng cảm

Trong căn phòng gần 30m2 trên tầng 3 của quán ăn Hoa Phượng (số 13 Ngô Văn Sở, tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), vừa rót trà mời chúng tôi, ông Vũ Tiến vừa chia sẻ: “Tranh thủ chưa có khách, chúng ta nói chuyện ở đây. Cái phòng này từng có thời điểm là nơi ở của hơn 20 đứa trẻ mồ côi. Quán Hoa Phượng chính là “cần câu cơm” của gia đình tôi và nuôi lớn 600 trẻ mồ côi trong suốt 30 năm qua”.

Ông Tiến quê Hà Nội nhưng sinh ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) năm 1942. Năm 1944, gia đình ông ra Hà Nội. Đến năm 1949, bố ông mất, cả gia đình vào lại TPHCM. Nhưng đến năm 1951, nhà ông lại quay ra Hà Nội.

Ông kể rằng, tuổi thơ thì “lưu lạc” 2 miền Nam - Bắc, lớn lên, cũng vì hoàn cảnh gia đình, ông gần như “lang bạt kỳ hồ” khắp Hà Nội. Năm 20 tuổi, ông Tiến đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1985, ông xuất ngũ, về nhà làm ăn và đến năm 1988 thì mở Công ty Du lịch Hoa Phượng.

Bà Oanh (vợ ông Tiến, sinh năm 1945) cho biết, mở công ty du lịch nhưng vẫn kiếm ăn chật vật, đầu năm 1989 ông bà quyết định mở quán ăn Hoa Phượng ở số 65 phố Quán Sứ, gần ga Hà Nội.

“Quán bình dân, nhưng khá đông khách ăn uống. Gần ga, nên người lang thang, nhất là trẻ em cơ nhỡ vào xin ăn rất nhiều. Chiều nào cũng vậy, chúng tôi để một ít đồ ăn, thức uống cho người lang thang. Dần dà, quán Hoa Phượng thành điểm cho trẻ em lang thang, xin ăn cuối ngày tụ tập. Thường là 1 mâm, có khi 2 mâm. Ăn xong, bọn trẻ lại trở về nơi lưu trú của mình…”, bà Oanh kể lại.

Hơn cả chuyện cổ tích ảnh 1 Ông Tiến đệm đàn, dạy hát cho những đứa trẻ trong căn phòng sinh hoạt chung của “Gia đình trẻ mồ côi Xa mẹ”. Ảnh: QUANG PHÚC

Mọi chuyện cứ thế diễn ra một thời gian, rồi ông Tiến bàn với bà Oanh nhận nuôi một số đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, thường đến xin ăn ở quán. Trước sự ngạc nhiên và băn khoăn của bà Oanh, ông Tiến kể lại những câu chuyện thời trẻ, cũng lang thang, cơ nhỡ khắp Hà Nội của mình cho bà nghe.

“Đó là lần đầu tiên ông ấy kể những chuyện đó với tôi trong sự đồng cảm, cả những giọt nước mắt. Ông ấy muốn giúp những đứa trẻ như ông ngày nào, có một cuộc sống tốt đẹp hơn… Và tôi đồng ý, ủng hộ hoàn toàn”, bà Oanh nhớ lại.

Kể từ đó, hơn 30 năm trôi qua, số trẻ mồ côi, cơ nhỡ trưởng thành từ mái nhà của ông Tiến, bà Oanh lên đến 600. Hiện nay, tuy đã gần 80 tuổi, ông bà vẫn duy trì hoạt động của công ty du lịch và quán ăn Hoa Phượng để sinh sống và nuôi dạy 7 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn trong nhà. Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019 cho bà Vũ Thị Ngọc Oanh.

Đến việc dạy làm người lương thiện

Nhận những đứa trẻ về nuôi, ông Tiến nghĩ đến chuyện kiếm việc cho chúng làm. Vậy là “Tổ bán báo Xa mẹ” ra đời, hoạt động rất hiệu quả. Mọi vốn liếng do vợ chồng ông bà bỏ ra mua báo và giao cho từng em đi đến các con phố của Hà Nội bán, kể cả vào sân bay, nhà ga. Tất cả tiền bán báo sau mỗi buổi được chuyển trả lại tổ để tái sản xuất và phục vụ sinh hoạt hàng ngày của các em.

“Nhiều cháu coi đây như mái nhà thứ hai. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận ra việc cho các cháu đi bán báo cũng nảy sinh những hệ lụy. Tuổi còn nhỏ, các cháu chưa kiểm soát được hành vi mà đã va chạm với tiền từ sớm, như thế không tốt”, ông Tiến chia sẻ.

Đầu năm 1996, ông Tiến, bà Oanh quyết định dừng việc cho trẻ đi bán báo và đưa các cháu về ngôi nhà ở số 13 phố Ngô Văn Sở để nuôi dạy.

“Tổ bán báo Xa mẹ” được đổi tên thành “Gia đình trẻ mồ côi Xa mẹ” với mục đích chính là để những đứa trẻ mồ côi được học hành, vươn lên thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Bà Oanh cho biết, tất cả các cháu đều được cho đi học văn hóa, và lớn lên là học nghề (nấu ăn, làm bánh, may mặc, sửa chữa xe máy, gò hàn…). Các cháu học nghề xong đều có việc làm ổn định.

“Từng là giáo viên, tôi thấy rằng, các cháu không được ở bên gia đình, không được học văn hóa, không có người kèm cặp, dạy bảo, phải tự kiếm sống ở độ tuổi còn quá nhỏ sẽ không tốt, dễ nảy sinh tật xấu. Thế nên, những cháu nào có thể học lên đại học, tôi cũng nuôi. Cháu nào muốn đi học nghề, chúng tôi cho đi học; miễn sao khi lớn lên có một nghề để mưu sinh”, bà Oanh tâm sự.

Không còn đi bán báo, không phải làm gì thêm ngoài giờ đi học văn hóa và học nghề, những đứa trẻ được ông bà dạy thêm âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn kịch, kiến thức pháp luật..., xem đó như là hành trang trưởng thành.

Chị Trần Thanh Vân, người làm ở quán ăn Hoa Phượng từ những ngày đầu đến nay, vô cùng khâm phục tình cảm, quyết tâm của ông bà Tiến, Oanh trong hơn 30 năm qua.

“Lúc cao điểm, gần 70 đứa trẻ ăn ở và đi học ở căn nhà Ngô Văn Sở này. Bản thân tôi cũng không thể nhớ hết những đứa trẻ từng sống qua đây và trưởng thành…”, chị Vân cho biết.

Trước tấm bảng dán gần 100 bức ảnh của “Gia đình trẻ mồ côi Xa mẹ”, ông Tiến tự hào chỉ tay vào từng bức ảnh, giới thiệu từng đứa con, đứa cháu của mình và kể về cuộc sống của họ khi đã trưởng thành. Có người giờ là chủ một hệ thống cửa hàng bánh ngọt có tiếng ở Hà Nội, người là phiên dịch viên du lịch, người là đầu bếp khách sạn 4-5 sao, người là chủ cửa hàng thời trang… Từng ấy năm tháng, ông bà không nhớ hết được số lần vào vai bố mẹ dựng vợ gả chồng cho các cháu.

“Món quà lớn nhất mà vợ chồng tôi nhận lại sau tất cả những cố gắng là chứng kiến những đứa con, đứa cháu từng ngày trưởng thành, trở thành những người tốt, có công việc, có gia đình riêng. Tính ra gia đình chúng tôi có đến cả ngàn đứa con dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại…”, ông Tiến tự hào nói.

Trong 7 đứa trẻ hiện đang sống ở nhà ông bà có anh em Quách Trung Hiếu và Quách Thị Hoài Anh. Hiếu năm nay 16 tuổi, học lớp 10 và Hoài Anh 14 tuổi, đang học lớp 6. Hai em quê ở Ân Thi (Hưng Yên), bố mất sớm, mẹ nghèo quá không nuôi được, nên được vợ chồng ông Tiến nhận nuôi cách đây 7 năm. Trần Hữu Hùng sinh năm 2007, quê Khoái Châu (Hưng Yên) cũng đã ở với ông Tiến, bà Oanh được 7 năm. Mẹ mất khi mới 2 tuổi, bố bị bệnh tâm thần, nên Hùng được ông bà nhận về nuôi, cho đi học. Cũng như Hiếu và Hoài Anh, Hùng được ông bà cho đi học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) và hiện học lớp 4.

“Ngoài giờ đi học ở trường, cháu còn được ông bà dạy về văn hóa, lịch sử, âm nhạc, tập múa…. Ông còn dạy chúng cháu những điều về cách ứng xử, như: biết xin lỗi khi làm sai, biết cảm ơn khi được người khác giúp đỡ, nghe lời người lớn. Chúng cháu luôn xem đây là ngôi nhà thân yêu của mình”, Hoài Anh tâm sự.

Ông Tiến cho biết, mỗi đứa trẻ đi học như Hoài Anh, mỗi tháng chi phí hết khoảng 4,5 triệu đồng. Với sổ sách ghi chép còn lưu giữ, ước tính tổng số tiền ông bà Tiến - Oanh đã bỏ ra để nuôi dạy 600 đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ từ năm 1989 đến nay khoảng 30 tỷ đồng.

“Khi làm ăn được, chúng tôi yêu cầu các cháu không phải làm thêm việc gì, chỉ tập trung vào học hành. Kiếm được bao nhiêu, chúng tôi giúp đỡ các cháu bấy nhiêu. Số tiền các tổ chức từ thiện hỗ trợ chỉ chiếm 1/10 chi phí nuôi dạy các cháu trong những năm qua”, ông Tiến cho biết.

Chia tay chúng tôi, bà Oanh cho biết: “Nuôi dạy 600 đứa trẻ trưởng thành, đa số trở thành người tốt. Nhưng cũng có một số đứa khiến ông Tiến buồn nhiều lắm. Đó là kiểu giàu có rồi, tìm cách che giấu việc từng ở và được chúng tôi nuôi nấng; hay là thành đạt rồi thì vô ơn bội nghĩa, coi thường chúng tôi… Tôi động viên ông ấy nhiều, rằng mình cho đi chứ có đòi hỏi lại gì đâu. Cứ sống với những việc tốt mình đã và đang làm cho vui vẻ, nhẹ nhàng tuổi già”. Ông Tiến cho biết thêm, sau lứa trẻ 7 đứa đang nuôi dạy hiện nay, vì tuổi cao sức yếu, ông bà thống nhất là sẽ không nhận thêm trường hợp nào nữa. “Chúng tôi sẽ tập trung vào làm từ thiện. Đứa trẻ nào có hoàn cảnh khó khăn thì chúng tôi sẽ tìm hiểu để giúp đỡ, ủng hộ từ xa. Hơn 30 năm rồi, vợ chồng tôi cũng đang tính toán để tìm người tiếp tục công việc của mình”, ông Tiến tâm sự.

Tin cùng chuyên mục