Hơn 5,3 triệu người Việt Nam mắc tiền đái tháo đường

Hiện toàn thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 mắc tiền đái tháo đường (ĐTĐ), tương ứng với 7,5% dân số. Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ người bị mắc tiền ĐTĐ chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người...
Kiểm tra đường huyết thường xuyên để kịp thời phát hiện tiền đái tháo đường
Kiểm tra đường huyết thường xuyên để kịp thời phát hiện tiền đái tháo đường

“Hiện toàn thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 mắc tiền đái tháo đường (ĐTĐ), tương ứng với 7,5% dân số. Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ người bị mắc tiền ĐTĐ chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với bệnh nhân ĐTĐ. Dự báo đến năm 2045, số người mắc tiền ĐTĐ trên toàn thế giới sẽ tăng lên 548,4 triệu người; trong đó chỉ tính riêng Việt Nam sẽ có khoảng 7,9 triệu người mắc tiền ĐTĐ, tăng 47% so với năm 2019”,

Đó là thông tin được GS-TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam cho biết tại Ngày hội Nâng cao nhận thức tiền đái tháo đường, hưởng ứng ngày Đái tháo đường Thế giới (14-11), tổ chức vào sáng 7-11.

Theo GS-TS Trần Hữu Dàng, tiền ĐTĐ là tình trạng bệnh lý khi nồng độ đường máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ, bao gồm những người rối loạn đường máu lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp đường, hoặc tăng HbA1c.

Tiền ĐTĐ là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và người mắc ĐTĐ tuýp 2. Hiện nay, bệnh ĐTĐ được xếp vào 1 trong 4 loại bệnh không lây nhiễm chính và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 – 2025 cũng nêu rõ mục tiêu hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phế quản.

Trong đó có vạch ra mục tiêu khống chế tỷ lệ tiền ĐTĐ dưới 16% ở người 30-69 tuổi. Với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ĐTĐ, nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng có thể từ 15 năm trước khi chẩn đoán ĐTĐ. Việc phát hiện sớm ở giai đoạn tiền bệnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ người mắc bệnh cũng giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người bệnh.

"Phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực người mắc tiền ĐTĐ sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc ĐTĐ tuýp 2 và dự phòng các biến chứng tim mạch và biến chứng khác do tăng glucose máu; giảm sự tổn hại cho sức khoẻ lẫn chi phí chi trả cho các biến chứng ĐTĐ, nâng cao chất lượng cuộc sống”, GS-TS Trần Hữu Dàng cho hay.

Cũng theo GS-TS Trần Hữu Dàng, hệ luỵ từ căn bệnh ĐTĐ tuýp 2 có thể được ngăn chặn rất sớm từ giai đoạn “mầm mống” - tức tiền ĐTĐ. Tuy nhiên, bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền ĐTĐ trước khi mắc ĐTĐ mà không hề hay biết.

Hầu hết mọi người chỉ phát hiện mình bị tiền ĐTĐ qua các đợt khám sức khoẻ hoặc qua chương trình khám sàng lọc ĐTĐ, hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó. Việc khám và tầm soát tiền ĐTĐ chưa được người dân chủ động thực hiện.

“Đã đến lúc phải xem tiền ĐTĐ như một hiểm hoạ cần được cảnh báo. Việc giúp người dân có nhận thức đúng đắn về tiền ĐTĐ cũng như có ý thức tầm soát sớm khi nhận thấy các dấu hiệu nguy cơ sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc ĐTĐ trong cộng đồng. Điều này không chỉ có lợi cho chính người bệnh mà còn giảm gánh nặng lên hệ thống y tế”, GS-TS Trần Hữu Dàng nhấn mạnh.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), cứ 11% người tiền ĐTĐ sẽ tiến triển thành ĐTĐ mỗi năm ; 15-30% người tiền ĐTĐ sẽ mắc ĐTĐ trong vòng 5 năm, ước tính con số này lên đến 50% trong vòng 10 năm và tổng cộng 70% người tiền ĐTĐ sẽ thành ĐTĐ thực sự. Người mắc tiền ĐTĐ có thể hồi phục và quay trở về mức đường huyết bình thường thông qua việc thực hiện các chương trình điều chỉnh lối sống dựa trên việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ hoạt động thể chất.

Tin cùng chuyên mục